7 thông tin cực kỳ hữu ích Mẹ chuẩn bị sinh không nên bỏ qua

Để quá trình sinh nở và sau khi sinh diễn ra thuận lợi và an toàn, mẹ bầu nên có sự chuẩn bị kỹ lưỡng nhất có thể từ 2 đến 3 tháng trước khi sinh, gồm tất tần tật mọi thứ từ vật chất đến tinh thần, như chế độ dinh dưỡng khỏe mạnh, chế độ tập thể dục thích hợp, đồ dùng cho mẹ và bé đầy đủ, bệnh viện dự định sinh và cả tâm lý, tinh thần của mẹ trong thời kỳ mang thai, đặc biệt những ngày gần cuối. Dưới đây là 7 thông tin cực kỳ hữu ích Mẹ chuẩn bị sinh không nên bỏ qua, sẽ nói rõ hơn từng khâu chuẩn bị.


I. Chuẩn bị đồ đi sinh cho cả mẹ và bé
Vào khoảng tháng thứ 6 - 7, mẹ bầu nên bắt đầu lên kế hoạch sắm sửa đồ dùng cho mẹ và bé, đặc biệt là giỏ đồ đi sinh cho vài ngày ở nhà hộ sinh. 

Đồ đi sinh cho mẹ và bé thật ra không nhiều và khó nhớ, nhưng nếu mẹ không biết cách sắp xếp chúng thành từng nhóm riêng thì thật sự khi nhìn vô danh sách gồm một loạt các đồ dùng, mẹ sẽ bị rối mắt và hoang mang, không thể nhớ hết mọi thứ, dẫn đến khi chuẩn bị lại thiếu lên thiếu xuống. 

Thậm chí có nhiều mẹ đã chuẩn bị xong xuôi hết rồi, vẫn thi thoảng lôi ra kiểm tra lại vì không an tâm. Với danh sách đồ đi sinh cho mẹ và bé được phân ra thành từng nhóm riêng biệt dưới đây, hi vọng các mẹ sẽ cảm thấy dễ dàng và bớt áp lực hơn mỗi khi nhắc đến việc "chuẩn bị đồ đi sinh cho mẹ và bé".

1. Đồ dùng cho mẹ
- Quần áo: 1 bộ mặc lúc xuất viện. Mẹ nên mang theo loại rộng rãi, thoáng mát, có thể sử dụng đồ bầu trước khi sinh nhé. Mẹ không cần chuẩn bị nhiều quần áo khi nằm viện bởi vì bệnh viện sẽ chu cấp đầy đủ, tuy nhiên nếu muốn thoải mái hơn thì có thể chuẩn bị thêm một số bộ đồ của mình. Chú ý chọn kiểu áo gài nút ở phía trước, tránh kiểu áo chui đầu vì sẽ gây ra bất tiện khi cho bé bú. Đồng thời, thay vì mặc quần, mẹ nên mặc váy để tiện cho bác sĩ thăm khám nhé.
- Băng vệ sinh cho mẹ sau khi sinh: 2 gói. Lượng dịch lúc này vẫn khá nhiều, mẹ nên chọn loại băng dày và có kích cỡ lớn để ngăn dịch tràn ra ngoài.
- Quần lót giấy: 2 gói. Mẹ nên mua quần lót giấy cho tiện khi nằm ở bệnh viện, xài một lần rồi vứt luôn, đỡ nhọc công giặt và phơi.
- Miếng lót thấm sữa: 1 hộp. Phòng những ngày đầu sữa về nhiều, mẹ nên chuẩn bị cả vật dụng này để tránh sữa dây ra áo làm ướt áo.
- Áo ngực cho bé bú: 3 cái. Đây là vật dụng cần thiết để thuận lợi khi cho bé bú, mẹ nên chọn loại chất lượng để có thể dùng sau khi về nhà.
- Đồ dùng cá nhân: bàn chải, kem đánh răng, khăn mặt, khăn tắm, gương lược, cột tóc, sữa tắm, dầu gội đầu.

2. Đồ dùng cho bé
- Áo trẻ sơ sinh: 5 cái. Đối với áo quần cho bé sơ sinh, mẹ nên chọn loại làm bằng vải cotton 100% thoáng mát, mềm mịn, thấm hút mồ hôi tốt để tránh gây bí bách và kích ứng làn da mỏng manh của bé.
- Quần dài cho bé: 3 cái. Bé mới sinh đôi khi chỉ cần được quấn tã nên số lượng quần chuẩn bị cho bé có thể ít hơn số lượng áo nhé.
- Bộ vớ tay, vớ chân: 5 cái, để giữ ấm cho bé và ngăn bé tự cào tay lên mặt mình. Đặc biệt trước khi cho bé dùng, mẹ nên lộn ngược mặt bên trong để cắt mọi chỉ thừa còn vương trong đó. Có rất nhiều trường hợp bé sơ sinh bị hoại tử bàn tay vì vô tình để các ngón tay vướng vào các sơi chỉ thừa này.
- Nón sơ sinh: 5 cái
- Khăn gạc tắm bé, 1 cái quấn bé, 1 cái lau khô: 2 cái
- Khăn sữa dùng để lau cho bé và lau ngực cho mẹ: 20 cái
- Đồ dùng vệ sinh cho bé: băng rốn (5 hộp), tăm bông (1 hộp), khăn giấy ướt (1 gói), gạc rơ lưỡi (1 hộp), phấn rôm (1 chai), kem chống hăm (1 chai), sữa tắm gội cho bé (1 chai).
- Bình sữa 50/60ml dùng cho bé uống nước hoặc bình sữa 120ml cho bé bú, sữa bột cho bé từ 0-6 tháng: 1 bình, dụng cụ cọ rửa bình sữa, nước súc bình sữa: Mẹ nên chuẩn bị các vật dụng cho bé bú bình sữa để phòng trường hợp sữa mẹ chưa kip về trong những ngày sau sinh nhé.


II. Chuẩn bị đồ dùng cho mẹ và bé ở nhà
Giỏ đồ đi sinh cho mẹ chỉ bao gồm những đồ dùng cần thiết cho mẹ và bé khi nằm ở viện với số lượng vừa đủ nhằm tránh việc mang vác cồng kềnh gây mệt mỏi cho mẹ và người thân. 

Khi trở về nhà, mẹ cần chuẩn bị thêm một số vật dụng khác nữa với số lượng nhiều hơn để bé dùng đủ vào những tháng tới. Khoảng tháng thứ bảy của thai kỳ mẹ nên bắt tay vào công cuộc mua sắm đầy đủ danh sách đồ dùng này nhé, hoặc có thể chia thành từng đợt để có sự chọn lựa kỹ càng hơn.

1. Chuẩn bị đồ dùng cho bé sơ sinh
a. Quần áo, tã bỉm, khăn các loại
- Quần áo cho bé sơ sinh: Mẹ không cần chuẩn bị nhiều quần áo cho bé vì các bé sơ sinh rất mau lớn. Chỉ cần mua khoảng 3 cái áo size nhỏ, 5 cái size lớn, 10 – 20 cái quần dài (bé đi tè và ị nhiều lần trong ngày nên cần chuẩn bị với số lượng khá nhiều để tránh không có cho bé dùng, đặc biệt mùa lạnh). Đối với áo, nên chọn loại cài nút hoặc buột dây để cởi ra và mặc vào dễ dàng, tránh loại tròng qua đầu vì cổ bé sơ sinh lúc này còn non và yếu. Chọn vải cotton mềm mại, thấm hút tốt, màu sắc nhẹ nhàng, tươi sáng để tránh phẩm màu gây kích ứng da bé. Cắt hết chỉ thừa trên quần áo để bảo đảm an toàn tối đa cho bé.
- Áo gile: 3-5 cái, dùng để khoác thêm cho bé khi trời lạnh
- Áo liền quần: giữ ấm bụng cho bé, chỉ nên dùng khi bé được hơn 1 tháng tuổi vì trước đó bé hay đi tè và ị, khiến mẹ sẽ phải thay ra cả bộ rất mất công.
- Tã vải (dán 2 bên): 5-10 cái cỡ nhỏ, 5-10 cái cỡ tiếp theo
- Miếng lót sơ sinh: 1 gói tã newborn 1 (bé mau lớn nên không cần mua nhiều newborn 1), nhiều gói newborn 2.
- Tả bỉm: dùng để mặc khi đi ngủ, đi ra ngoài chích ngừa: 2 gói
- Bao tay, bao chân: 5 bộ
- Yếm: 5 cái, vừa giữ ấm cổ vừa giữ vệ sinh cho bé khi ăn
- Khăn lông lớn: dùng để quấn người bé, kê đầu cho bé nằm, lau khô sau khi tắm xong: hơn 10 cái
- Khăn sữa nhỏ, mềm: chuẩn bị với số lượng nhiều dùng để lau mặt, mũi, người cho bé, lau bầu ngực cho mẹ…, khoảng 20 – 30 cái với số lớp khác nhau tùy vào nhu cầu của mẹ và bé.
- Miếng lót chống thấm: 10 cái, gồm 1 lớp khăn dính liền với 1 lớp nilong không thấm nước, dùng để kê dưới mông bé lúc thay tã hoặc lúc bé ngủ để tránh làm ướt và bẩn giường.
- Áo khoác dài tay bằng vải cotton có nón liền, cỡ lớn, dùng để khoác cho bé khi đi ra ngoài chích ngừa hay thăm họ hàng.

b.   Dụng cụ ăn uống
- Bình sữa, núm vú cao su mềm: 2 bình, 2 núm, 1 bình cỡ nhỏ dùng để bú những ngày đầu sữa mẹ chưa về kịp và 1 bình cỡ lớn hơn để dùng thời gian sau này.
- Máy tiệt trùng bình sữa, máy hâm sữa, máy hút sữa: nếu có điều kiện mẹ nên sắm đầy đủ các loại máy này để đỡ vất vả và tiết kiệm thời gian.
c. Dụng cụ vệ sinh
- Chậu tắm dài, có lỗ thoát phía dưới
- Chậu tròn để đựng nước tắm dội lại cho bé lần 2 vì các bé còn nhỏ chưa thể tắm bằng vòi sen được
- Chậu tròn nhỏ để giặt khăn lau
- Chậu đựng đồ dơ
- Rơ lưỡi, băng rốn: Các mẹ nên chuẩn bị khoảng 5 hộp băng rốn, thay hàng ngày cho bé. Đây là vật dụng có tác dụng băng rốn bé và giữ ấm phần bụng trong những tháng đầu đời. Rơ lưỡi dùng để vệ sinh miệng cho bé, cần chuẩn bị khoảng 10 hộp.
- Khăn giấy ướt: 5 bịch, dùng để lau chùi mông bé mỗi khi bé xì xoẹt.
- Tăm bông: 1 hộp, dùng để lau tai bé sau khi tắm xong
- Bông gòn tiệt trùng: chuẩn bị với số lượng nhiều để vệ sinh mắt, rốn cho bé
- Nước muối sinh lý: nhỏ mắt, mũi cho bé sơ sinh: 10 lọ
- Ống hút mũi: dùng khi bé bị nghẹt mũi, hút dịch mũi cho bé
- Nhiệt kế: 1 cái đo nhiệt độ nước tắm và 1 cái đo nhiệt độ cho bé
- Cồn 70 độ: vệ sinh rốn khi rốn chưa rụng
- Kem chống hăm: tốt nhất nên dùng miếng lót kèm bôi kem chống hăm cho bé từ 1-2 tháng đầu đời, thời gian sau nên tập đi tè cho bé.
- Chiếc rổ nhỏ để đựng sẵn các đồ dùng cần cho bé khi đi tắm, thay tã và để ngay đầu giường.

2. Đồ dùng cho mẹ
Đồ dùng cho mẹ sau khi sinh và trở về nhà không nhiều và không có sự khác biệt với đồ dùng lúc đi sinh. Nếu cần mẹ có thể chuẩn bị thêm số lượng băng vệ sinh và bỉm quần nhé.


III. Nguyên tắc dinh dưỡng cho mẹ bầu
1. Tinh chỉnh chế độ ăn uống, ngay cả khi đã ăn uống tốt
Hầu hết tất cả phụ nữ mang thai đều cần bổ sung nhiều protein, vitamin chắc chắn, các khoáng chất (như axit folic và sắt) và nhiều calo để duy trì năng lượng. Nếu có điều kiện hơn, mẹ nên ăn các bữa ăn có chất dinh dưỡng cao, bởi vì đây là cách tốt nhất để nâng cao sức khỏe và tạo sự phát triển tốt nhất cho bé yêu.
Tuy nhiên ăn tốt không có nghĩa là ăn nhiều. Nhận thức sai lầm phổ biến về chế độ ăn uống trước khi sinh em bé bắt nguồn từ suy nghĩ rằng phụ nữ mang thai nên ăn cho cả hai người, mẹ và bé. 

Tuy nhiên, các chuyên gia, bác sĩ dinh dưỡng nói rằng phụ nữ mang thai không cần phải tăng gấp đôi lượng calo và khẩu phần ăn của mình. Nếu mẹ khởi điểm với cân nặng ổn, mẹ không cần phải nạp thêm calo trong quý đầu tiên của thai kỳ. Vào quý thứ hai, mẹ sẽ cần thêm khoảng 340 calo/ngày và khoảng 450 calo/ngày ở quý thứ ba. Tùy vào cân nặng hiện tại mà mẹ nên điều chỉnh lượng calo cho phù hợp. Mức tăng cân trước khi sinh em bé là khác nhau ở các mẹ, nhưng lượng tăng cân tốt nhất dành cho phụ nữ có chỉ số cơ thể từ 18,5 đến 24,9 là 25-35 pound (tương đương 11,36-15,87 kg). 

Nếu mẹ bầu thuộc dạng nhẹ cân, lượng tăng cân này nên được điều chỉnh ở mức cao hơn, nếu mẹ có cân nặng khá lớn, cần làm giảm lượng này xuống. Mức độ tăng cân chính xác sẽ thúc đẩy trẻ nhỏ phát triển bình thường. Việc tăng cân quá mức hoặc béo phì khi mang thai có thể làm tăng rủi ro phát triển bệnh tiểu đường, các vấn đề với huyết áp và các biến chứng khi sinh em bé, như sinh non.

2. Ăn nhiều các thực phẩm an toàn và nhiều dinh dưỡng
- Trái cây và rau xanh 
Khi lập kế hoạch về những bữa ăn chính và bữa ăn phụ, mẹ bầu nên nghĩ về những thực phẩm tươi xanh và nhiều màu sắc. Mẹ nên dạo quanh các cửa hàng thực phẩm hoặc siêu thị để có nhiều ý tưởng hơn cho các bữa ăn của mình. 

Trái cây và rau xanh có chứa nhiều amino axit, chất khoáng, các loại vitamin, sợi/thớ và enzim giúp quá trình tiêu hóa thức ăn dễ dàng hơn. Hãy thử một cốc sinh tố trái cây cho bữa sáng và đĩa rau xanh cho những bữa phụ vào buổi trưa nhé, mẹ sẽ thấy sự khác biệt về tinh thần và thể trạng chỉ sau một tuần.

- Các loại hạt
Chất béo và protein có tác dụng giữ cho đầu óc mẹ bầu tỉnh táo, linh hoạt và trí não phát triển. Để kết nạp 2 dưỡng chất này, mẹ nên đưa các loại hạt vào thực đơn bởi vì chúng sẽ giúp nuôi dưỡng cơ thể mẹ với vitamin E và axit béo omega. Để dễ hấp thu, mẹ có thể nghiền/xay nhỏ các hạt ra như cháo hoặc sinh tố nhé.

- Protein không mỡ
Protein giúp tăng cường sức lực của cơ và giữ cho mẹ luôn khỏe mạnh trong suốt thai kỳ nếu mẹ không sử dụng thực phẩm chứa protein béo gây tăng cân không cần thiết. Mẹ nên cung cấp đủ protein không mỡ có nhiều trong các thực phẩm như: ức gà tây, sữa chua ít chất béo, thịt nạc đỏ như thịt thăn hay thăn bò.

- Các loại ngũ cốc
Các loại ngũ cốc chứa nhiều chất xơ tốt cho hệ tiêu hóa của mẹ bầu. Việc nạp nhiều ngũ cốc sẽ bổ sung năng lượng cho mẹ, giúp mẹ hấp thu chất dinh dưỡng và amino axit tốt hơn. Hãy thử ăn các loại ngũ cốc đã qua chế biến như yến mạch nghiền bằng cối đá, gạo lứt (gạo nâu) và hạt quinoa. Đây là một trong số những ngũ cốc được chứng thực là tốt nhất cho sức khỏe của mẹ và bé.

3. Tránh các thực phẩm không an toàn
Có một số thực phẩm có thể gây nguy hiểm cho mẹ trong quá trình mang thai. Những thực phẩm này là nguồn sản sinh vi khuẩn gây hại đến thai nhi đang nằm trong bụng mẹ mà mẹ cần hạn chế hoặc thậm chí là tránh xa, bao gồm các loại thực phẩm dưới đây:

- Thực phẩm đã qua chế biến
Thực phẩm đã qua chế biến có chứa các loại đường tinh chế, hương vị nhân tạo, chất béo hydro hóa và một lượng lớn muối khiến mẹ bầu trở nên khó chịu, mệt mỏi và ì ạch. Muối có thể giữ lại cho mẹ một lượng lượng nước thừa là nguyên nhân của bệnh tiểu đường thai kỳ và tiền sản giật. Đặc biệt với các thực phẩm chứa hàm lượng nitrat cao như xúc xích, thịt hun khói vì có thể gây bệnh tiểu đường cho mẹ bầu.

- Cá, hải sản và các loại thịt
Hầu hết cá có chứa một lượng nhất định chất thủy ngân methyl, là chất độc hại làm tổn thương hệ thần kinh và trí não đang phát triển của trẻ nhỏ. Tốt nhất là mẹ nên tránh ăn cá trong suốt thai kỳ. Nếu muốn ăn, mẹ nên chọn loại chứa hàm lượng thủy ngân thấp nhất, như cá hồi, cá mòi …và đảm bảo chúng được nấu chín kỹ. 

Trong khi đó, thịt sống và hải sản có thể chứa vi khuẩn như listeria có thể gây dị tật bẩm sinh cho trẻ nhỏ, sẩy thai cho mẹ và thậm chí khiến thai chết lưu. Tránh bất kỳ loại sushi sống nào, bít tết tartare hoặc thịt chưa được nấu chín kỹ và hải sản.

- Phomat mềm và sữa tươi
Sữa chưa được tiệt trùng có thể chứa vi khuẩn như listeria, là nguyên nhân của sẩy thai và chết thai lưu. Sữa tươi và phomat thường là những thực phẩm không thông qua quá trình tiệt trùng, vì vậy nếu muốn sử dụng, mẹ nên chọn mua cẩn thận loại được làm từ sữa đã tiệt trùng nhé. Bao gồm: sữa không tiệt trùng (và phomat làm từ sữa chưa tiệt trùng), phô mai mềm, pho mát Mexico, pa tê, thịt và gia cầm sống hoặc nấu chưa chín. Trong đó cá cũng là thực phẩm các mẹ bầu cần hết sức cẩn thận vì khả năng chứa thủy ngân khá cao, đây được xem là kim loại có hại cho sự phát triển não bộ của bào thai và trẻ sơ sinh với hàm lượng cao.

4. Nói không với rượu cồn và hạn chế caffein
Việc uống rượu cồn vào thời kỳ mang thai có thể gây ra dị tật, khuyết tật học tập và các vấn đề về tình cảm cho trẻ nhỏ. Đó là lý do các chuyên gia luôn khuyến cáo mẹ nói không với rượu trong suốt thời kỳ mang thai. 

Caffeine là một sự cân nhắc khác nữa. Đối với caffeine, các mẹ bầu chỉ nên tiêu thụ ít hơn 200 mg trong một ngày. Một số nghiên cứu đã chỉ ra mối liên kết giữa việc sử dụng nhiều caffein và khả năng sẩy thai và tình trạng nhẹ cân ở bé sơ sinh.

5. Bổ sung vitamin trước khi sinh
Dù cho mẹ không bị buồn nôn hay kiêng kị đồ ăn thức uống nào trong quá trình mang thai, việc đáp ứng các nhu cầu dinh dưỡng chỉ với chế độ ăn uống cân bằng thật sự là một điều khó khăn. Bổ sung vimatin trước khi sinh sẽ giúp cung cấp các chất dinh dưỡng mà mẹ và bé cần cho sự phát triển tối ưu. Đảm bảo vitamin trước khi sinh mà mẹ chọn có chứa axit folic. 

Việc không hấp thụ đủ axit folic trong quá trình mang thai được chứng minh là có mối liên hệ khăng khít với bệnh dị tật ống thần kinh ở trẻ sơ sinh, chẳng hạn như tật nứt đốt sống.

6. Không ăn kiêng trong thời kỳ mang thai
Việc ăn kiêng trong quá trình mang thai có thể làm tổn hại đến mẹ và bé sơ sinh. Chế độ ăn kiêng dĩ nhiên sẽ làm cắt bớt lượng calo mẹ cần nạp đủ trong một ngày, thêm cả hàm lượng các chất cần thiết khác như sắt, axit folic và các loại vimatin và dưỡng chất quan trọng khác.

Tăng cân là một trong những dấu hiệu khả quan của một thai kỳ khỏe mạnh. Những phụ nữ ăn khỏe và đạt được mức cân nặng thích hợp có khả năng sẽ sinh ra bé khỏe mạnh hơn. Nếu mẹ đang ăn những thực phẩm hợp vệ sinh với hàm lượng được đề nghị bởi các chuyên gia, bác sĩ, hãy yên tâm rằng cả mẹ và bé đều sẽ khỏe mạnh!

Mẹ cũng cần nhớ rằng vào mỗi thời điểm trong thai kỳ mẹ sẽ cần đạt được một mức cân nặng nhất định. Các thời điểm này cũng quan trọng không kém với mức tăng cân mẹ cần đạt được. Các chuyên gia, bác sĩ khuyên mẹ bầu nên đạt được mức tăng cân ít nhất là từ 1 đến 5 pound trong quý đầu tiên (1 pound = 0,454 kg). 

Sang quý thứ hai và ba, mức tăng cân nên đạt được 1 pound trong một tuần. Trường hợp mẹ sinh đôi hoặc thiếu cân hay thừa cân khi bắt đầu mang thai, hãy hỏi kỹ bác sĩ hơn để được tư vấn chính xác hơn bởi vì lúc này, tỉ lệ tăng cân có thể sẽ khác.

7. Ăn thành các bữa nhỏ một cách thường xuyên
Vẫn tốt nếu mẹ muốn biến hóa và sáng tạo với lịch trình ăn uống của mình trong thời kỳ mang thai. Nếu mẹ bị buồn nôn, khó ăn, ợ nóng, khó tiêu, hãy thử ăn thành các bữa nhỏ một cách thường xuyên hơn. 

Cái thai ngày càng phát triển đồng nghĩa với việc bé yêu đang chiếm chỗ nhiều hơn trong dạ dày của mẹ và các cơ quan tiêu hóa khác, do đó dạ dày mẹ sẽ không có nhiều không gian để chứa những bữa ăn lớn.


IV. Thể dục cho mẹ bầu
Khi mang thai, mẹ bầu vẫn có thể tập thể dục với mức độ vừa phải theo sự cho phép của bác sĩ.

1. Lợi ích của thể dục trong thời kỳ mang thai
Thể dục mang lại những lợi ích bất ngờ cho mẹ bầu trong thời kỳ mang thai mà không phải mẹ nào cũng biết. Thể dục giúp tăng cường trí óc, cải thiện giấc ngủ và giảm các cơn đau do bầu bì đem lại. Nó cũng hỗ trợ mẹ chuẩn bị cho kỳ sinh nở sắp tới bằng cách củng cố các cơ và nâng cao sức chịu đựng cho các mẹ, đặc biệt giúp mẹ dễ dàng lấy lại vóc dáng thon gọn sau khi sinh. 

Các nghiên cứu cho thấy tập thể dục trước khi sinh cũng có thể làm giảm nguy cơ phát triển bệnh tiểu đường thai kỳ và tiền sản giật ở mẹ bầu. Với các mẹ được chẩn đoán bị bệnh tiểu đường thai kỳ thì việc tập thể dục là thực sự cần thiết. 

Phụ nữ khỏe mạnh và mang thai không biến chứng nên lập kế hoạch tập thể dục ít nhất 20 đến 30 phút một ngày với mức độ vừa phải. Nên nhớ, trước khi bắt đầu bài tập thể dục nào cũng cần phải được sự cho phép và tư vấn của bác sĩ nhé.

2. Các bài tập tim mạch cho mẹ bầu
- Đi bộ
Đây là một trong những bài tập tim mạch tốt nhất cho phụ nữ mang thai, giúp chị em giữ gìn dáng vóc mà không làm tổn hại đầu gối hoặc mắt cá chân và có thể thực hiện ở bất cứ nơi đâu mà không cần thiết bị hỗ trợ nào ngoài một đôi giày tốt. Các mẹ bầu có thể đi bộ suốt 9 tháng thai kỳ vì nó hoàn toàn an toàn cho sức khỏe của mẹ và bé.

- Bơi lội
Các bác sĩ, chuyên gia thường khuyến khích mẹ bầu nên tập bơi lội vì đây được xem là bài tập thể dục tốt nhất và an toàn nhất cho các mẹ ở giai đoạn này. Bơi lội là môn thể thao lý tưởng bởi vì nó giúp tập luyện các nhóm cơ lớn (cả cánh tay và cẳng chân) của mẹ, đem lại các lợi ích tim mạch, giảm sưng phù và tạo cho mẹ cảm giác nhẹ người hơn mặc dù đang mang trên người một khối lượng lớn. Nó đặc biệt hữu ích với các mẹ bầu bị đau lưng dưới.

- Thể dục nhịp điệu (Aerobics)
Aerobics tăng cường sức khỏe của tim và hòa hợp với cơ thể của mẹ bầu. Nếu mẹ đang tham gia vào một lớp học dành cho các phụ nữ mang thai, mẹ sẽ cảm nhận thấy mỗi chuyển động của bài tập đều an toàn cho mẹ và bé.

- Khiêu vũ
Nhảy theo các giai điệu yêu thích trong không gian khoải mái như phòng khách để tim được thư giãn theo là một bài tập thể dục nhẹ nhàng mà hiệu quả. Tuy nhiên, cần tránh các động tác nhảy, xoay nhanh.

- Chạy bộ
Chạy bộ là một phương pháp tuyệt vời để tập luyện phần tim và tạo dựng khả năng chịu đựng cơn đau trong thời kỳ mang thai. Mức độ chạy bộ phụ thuộc chủ yếu vào việc mẹ có lịch sử chạy bộ như thế nào, là một vận động viên điền kinh hay một người bình thường chẳng hạn. Nếu là một người bình thường, là một người mới, hãy bắt đầu ở mức thấp nhất trên một chặng đường ngắn, sau đó dần tăng lên khoảng 30 phút cho mỗi lần chạy bộ nhé.

3. Các bài tập phức tạp hơn cho mẹ bầu
- Yoga
Yoga có thể duy trì sức mạnh của cơ bắp và giúp cơ thể linh hoạt, ít gây ảnh hưởng đến khớp. Mẹ cần xen kẽ vào các bài tập đi bộ hoặc bơi lội một vài lần trong tuần để cho tim được tập luyện.

- Co, duỗi cơ
Duỗi dài cơ thể là một cách tuyệt vời giúp cơ thể bạn dẻo dai hơn và được thư giãn cũng như ngăn chặn bong gân. Hãy thêm động tác duỗi dài vào các bài tập tim mạch của bạn để có một bài tập hoàn hảo hơn.

- Weight training
Miễn là bạn có những đề phòng cần thiết và sử dụng những kỹ thuật tốt, weight training là một phương pháp luyện tập tốt giúp nâng cao cơ bắp. Việc xây dựng sức mạnh trong thời kỳ mang thai sẽ giúp mẹ sinh bé dễ dàng hơn.


V. Chọn bệnh viện phụ sản phù hợp
Vào khoảng tuần thứ 7, bố mẹ nên thống nhất sẽ sinh ở bệnh viện nào để dự trù kinh phí. Chi phí đi sinh bao gồm chi phí sinh và chi phí nằm viện, trong đó chi phí sinh gồm tiền công bác sĩ, tiền thuốc, dụng cụ vật tư y tế, thăm khám thai, siêu âm, hình ảnh, phẫu thuật. 

Tùy thuộc vào bệnh viện và dịch vụ bạn chọn mà các loại chi phí này sẽ khác nhau. Bệnh viện công hay bệnh viện tư, sinh thường hay sinh mổ, phòng dịch vụ hay phòng thường, mỗi một lựa chọn sẽ có giá khác nhau. Thông thường chi phí sinh có giá dao động từ 3-5 triệu đồng và sinh mổ dao động từ 5-10 triệu đồng, còn phi phí nằm viện dao động từ 600 ngàn đến 6 triệu đồng/ngày tùy vào dịch vụ và bệnh viện. Bệnh viện công thường có giá thấp hơn các bệnh viện quốc tế và dịch vụ. Tùy vào điều kiện kinh tế và tình hình sức khỏe của sản phụ mà bố mẹ nên đưa ra lựa chọn phù hợp. Thông thường mẹ đi khám thai ở bệnh viện nào sẽ sinh ở bệnh viện đó dễ thuận tiện hơn, hơn đơn giản là vì lý do bệnh viện gần nhà.

Dưới đây là một số bệnh viện có tiếng ở Sài Gòn về tay nghề, trình độ chuyên môn của đội ngũ y bác sĩ cũng như thiết bị y tế, cơ sở vật chất của bệnh viện để các mẹ tham khảo thêm.

1. Bệnh viện Từ Dũ
- Địa chỉ: 284 Cống Quỳnh, Q1, TP. HCM
- Chuyên môn: Đây là bệnh viện sản phụ khoa hàng đầu ở phía Nam, tập trung khoảng 200 bác sĩ đầu ngành với chuyên môn và kinh nghiệm nhiều năm vào loại bậc nhất, luôn sẵn sàng cấp cứu các ca khó từ các bệnh viện khác chuyển về. Nơi đây cũng nổi tiếng là nơi thực hiện quy trình thụ tinh trong ống nghiệm thành công tại TP. HCM.
- Cơ sở vật chất: Bệnh viện có hơn 1000 giường và có hai khu mới khá cao cấp: Khu Cống Quỳnh và khu Nguyễn Thị Minh Khai. Phòng ngủ sau sinh khá sạch sẽ, có máy lạnh, có phòng 1 giường và phòng 2 giường.
- Chi phí:
+ Chi phí sinh thường từ 1 triệu đến 2 triệu, chưa bao gồm tiền phòng và tiền công, trong khi đó chi phí sinh mổ là 1,5 triệu.
+ Tiền phòng dịch vụ dao động từ 200 ngàn – 2,5 triệu
+ Chi phí phòng sanh gia đình khoảng 2,5 triệu
Lưu ý: Sản phụ không được đăng ký phòng dịch vụ trước khi sinh để tránh trường hợp thiếu phòng cho các sản phụ đã sinh xong. Đây là bệnh viện đầu ngành khoa sản trong Nam nên luôn trong tình trạng quá tải. Riêng phòng dịch vụ thì sạch sẽ, mát mẻ, trang thiết bị theo tiêu chuẩn quốc tế.

2. Bệnh viện phụ sản quốc tế Sài Gòn
- Địa chỉ: 63 Bùi Thị Xuân, Q1, TP. HCM
- Chuyên môn: Tập trung hơn 50 tiến sĩ, bác sĩ có tay nghề cao, được đào tạo chuyên môn vững vàng từ trong nước và ngoài nước. Nếu gặp trường hợp sinh quá khó hoặc tai biến, bệnh viện sẽ chuyển tuyến.
- Cơ sở vật chất: Bệnh viện gồm 118 giường, phòng sạch đẹp, có tủ lạnh, ti vi … Khu nghỉ dưỡng cho thai nhi yên tĩnh, vô trùng. Đặc biệt trang bị bàn sinh đa năng và điều khiển bằng remote. Sản phụ được theo dõi tim thai trong khi chờ sinh bằng monitor.
- Chi phí:
+ Sinh thường: 2,5 – 4,5 triệu đồng
+ Sinh mổ: 4,5 – 13 triệu đồng
+ Tiền phòng: 800 ngàn – 4 triệu đồng/ngày

3. Bệnh viện phụ sản MeKong (trước đây là bệnh viện ĐH Y Dược TP.HCM)
- Địa chỉ: 243A Hoàng Văn Thụ, Q. Tân Bình, TP.HCM
- Chuyên môn: Tập hợp những tiến sĩ, giáo sư, bác sĩ có thâm niên đầu ngành và sẵn sàng giải quyết những ca khó. Họ đã từng đào tạo nhiều thế hệ bác sĩ của trường ĐH Y dược TP. HCM.
- Cơ sở vật chất: Trang thiết bị được đầu tư hiện đại nhờ sự cố vấn của những chuyên khoa đầu ngành. Phòng ốc sạch sẽ, gồm 80 phòng. Khu dưỡng nhi yên tĩnh, đặc biệt phòng nằm sau sinh có trang bị nước nóng, ti vi, tủ lạnh và toilet riêng.
- Chi phí:
+ Sinh thường: 2,5 – 3,5 triệu đồng
+ Mổ: 5,5 – 7,5 triệu đồng
+ Tiền phòng: 400 ngàn – 2 triệu đồng/ngày

4. Bệnh viện phụ sản Hùng Vương
- Địa chỉ: 9 Lý Thường Kiệt, Q5, TP. HCM
- Chuyên môn: Đội ngũ bác sĩ có chuyên môn, nghiệp vụ cao và thường xuyên được cử đi tu nghiệp ở nước ngoài để cập nhật kiến thức mới nhất. Nổi tiếng với giải quyết thành công những ca sinh khó.
- Cơ sở vật chất: Hiện đang được xây thêm một số giường nằm cho sản phụ, dự kiến cơ sở mới sẽ sớm đưa vào hoạt động với cơ ngơi 5 tầng. Trang bị thiết bị siêu âm vô cùng hiện đại, chắc chắc sẽ đảm bảo an toàn và khiến các mẹ hài hòng.
- Chi phí:
+ Sinh thường: 4,5 – 10 triệu đồng đã bao gồm tiền công sanh, viện phí, tiền phòng...
+ Sinh mổ: 8,1 – 15,5 triệu đồng đã bao gồm công sanh, viện phí, tiền phòng…

VI. Chuẩn bị tâm lý trước khi sinh
Nỗi sợ và lo lắng là tâm trạng không thể tránh khỏi ở các mẹ bầu, đặc biệt các mẹ lần đầu được làm mẹ khi ngày sinh đang càng cận kề. Đó có thể là nỗi sợ bị sẩy thai, làm đau bé, sự hồi hộp cho cảm giác chuyển dạ và lâm bồn hoặc là cảm giác lo lắng về điều kiện kinh tế để chăm sóc và nuôi dạy bé tốt, và còn là cách trở thành một người bố người mẹ tốt nhất cho con… 

Dù thế nào mẹ cũng cần nhớ, mẹ càng lo lắng và bận tâm nhiều điều thì chỉ làm ảnh hưởng đến chính sức khỏe bản thân và sự phát triển của thai nhi trong bụng. Hãy giữ các nỗi lo lắng này ở một mức độ cho phép, đồng thời cố gắng giữ cơ thể và trí óc ở trạng thái thoải mái nhất có thể bằng một số biện pháp trị liệu tinh thần đơn giản dưới đây nhé.

- Chơi với các bạn bè và mối quan hệ tích cực
Thời kỳ mang bầu, cảm xúc và tâm trạng là yếu tố quan trọng các mẹ bầu cần chú ý để giúp thai nhi khỏe mạnh. Mẹ nên chọn chơi và ở cùng những người bạn và mối quan hệ tích cực và mang lại cảm giác thoải mái cho chính mình, đồng thời hạn chế tiếp xúc với người hoặc mối quan hệ khiến mẹ cảm thấy tồi tệ khi ở cùng trong giai đoạn này.

- Nghỉ ngơi
Khi cảm thấy buồn bực và stress về một vấn đề bất kỳ, tốt nhất mẹ hãy dành thời gian để nghỉ ngơi, thư giãn cơ thể, đầu óc. Một vài phút nghỉ ngơi, đọc tạp chí, tán gẫu với bạn bè hoặc dành để đi bộ có thể là những gì mẹ cần lúc này. Có thể kết hợp với các bài tập mát xa trước khi sinh để đạt được hiệu quả tốt hơn cho tinh thần.

- Các bài tập thể chất
Bất kỳ hoạt động đòi hỏi thể chất nào giảm bớt căng thẳng và giải phóng endorphines tạo thoải mái ( feel-good endorphins) đều có thể được áp dụng cho mẹ bầu mỗi khi cảm thấy stress. Các bài tập thể dục giúp mẹ có một thai kỳ khỏe mạnh và có thể cải thiện tình trạng tâm lý, tinh thần cho các mẹ. Hãy thử đi bộ, bơi lội, hoặc yoga trước khi sinh, miễn là hoạt động nào mà mẹ được di chuyển nhé. Trường hợp bác sĩ không khuyến khích tập thể dục, mẹ bầu có thể thử mở nhạc và hát theo những bài yêu thích.

- Tập thở sâu
Nếu cảm thấy cơ thể đang căng lên, có thể mẹ bầu đang cần giữ hơi thở của mình. Hầu hết mọi người đều thở nông, chỉ thở từ ngực khi họ cảm thấy đau hoặc căng thẳng. Tim đập với tốc độ nhanh, dạ dày co thắt và căng cơ là dấu hiệu chứng tỏ mẹ đã hít thở sai cách. Hít thở sâu có thể giúp mẹ cải thiện tinh thần rất tốt, mẹ hãy tập hít thở sâu theo cách sau: Khi hít vào, hãy mở rộng bụng của mình ra. Khi thở ra, để bụng thư giãn và giải phóng toàn bộ mọi căng thẳng của mình. Chú ý tập trung vào hơi thở để giải tỏa mọi suy nghĩ, bận tâm và cảm xúc nhé. Đây là một cách tự nhiên đơn giản mà hiệu quả các mẹ bầu nên thử trước khi được áp dụng những phương pháp tiên tiến hơn nhé.



Trong số các đồ dùng cho mẹ, máy hút sữa là vật dụng khá quan trọng và cần thiết, nhất là đối với các mẹ thường xuyên xa nhà nhưng vẫn mong muốn nuôi con bằng sữa mẹ. Với máy hút sữa, mẹ có thể thường xuyên vắt sữa ra, cho vào bình sữa và trữ vào tủ lạnh cho bé dùng dần. 

Sử dụng máy hút sữa còn giúp kích thích sữa tiết ra nhiều hơn, giảm bớt hiện tượng căng tức bầu ngực, tắc tia sữa và viêm vú. Tuy nhiên, nếu quá lạm dụng vật dụng này, đặc biệt là với các mẹ nhiều sữa, sữa sẽ càng tiết ra nhiều hơn theo dòng hoặc phun thành tia và trào ra dữ dội, hoặc hai bầu ngực của mẹ sẽ luôn trong tình trạng bị rò rỉ sữa khiến mẹ khó chịu và đau nhức, và nhất là ảnh hưởng khá lớn đến dinh dưỡng và sức khỏe của bé. 

Trong tình huống này, mẹ nên làm gì? Một số kinh nghiệm chăm sóc bé và mẹ sau khi sinh thực sự hữu ích được trình bày trong mục VII bên dưới.

VII. Kinh nghiệm chăm sóc bé sau khi sinh
1. Mẹ tiết sữa quá nhiều
Có nhiều mẹ nghĩ rằng sữa càng tiết ra nhiều thì bé càng được bú nhiều và càng khỏe mạnh, cao lớn. Tuy nhiên, sự thật không phải vậy. Với các mẹ nuôi con bằng sữa mẹ, thông thường ở mỗi cữ bú, mẹ chỉ sản xuất được 37ml sữa trước và 50ml sữa sau cho cả hai bầu ngực. Nhưng với các mẹ có nhiều sữa, ở một bầu ngực mẹ đã chỉ có 30ml sữa đầu và 90ml sữa sau. 

Do đó, bé chỉ cần bú một bên là đã đủ khiến bé no. Một số bé có thể bú thêm một ít bên bầu ngực bên kia vì đói hoặc thích mút ti mẹ nhưng sẽ chỉ bú được thêm một ít sữa đầu. Sữa đầu là sữa có nhiều đường lactose gây đầy hơi, nôn trớ, trong khi đó sữa sau là sữa giàu năng lượng và chất béo bổ dưỡng giúp bé tăng cân. 

Đây chính là lý do mà các bé bú mẹ nhiều sữa hoặc là tăng cân rất nhanh hoặc là giảm cân rất nhanh đi kèm với thiếu dinh dưỡng trầm trọng. Mẹ nên thử các biện pháp giúp điều chỉnh lượng sữa của mình tương xứng với nhu cầu bú sữa của bé, như: tranh thủ cho bé bú lúc chưa quá đói và sau khi ngủ dậy bởi đây là lúc bé không bú quá mạnh, ngực của mẹ sẽ ít bị kích thích hơn; trước khi cho bé bú, nên vắt dòng sữa mạnh đi; cho bé một bên đầu ti để hạn chế việc sữa trào ra quá nhiều lần, nếu sữa rò rỉ hoặc bị căng tức bên bầu ngực bên kia, mẹ nên vắt bớt sữa đi; dùng tay ấn nhẹ vào núm vú khi bé đang bú để giảm tốc độ dòng chảy, nếu bé bị sặc sữa, nghẹn sữa hoặc sữa trào lên mũi, nhanh chóng cho bé ngừng bú, dùng khăn bịt đầu ti lại để tránh sữa bắn vào mặt bé, khi dòng chảy trở về bình thường thì cho bé bú trở lại; chọn tư thế cho bú tạo trọng lực làm giảm tốc độ dòng chảy, thử tựa người ra sau, đặt bé ngồi lên chân mẹ, đầu cao hơn núm vú, hoặc nằm nghiên và cho bé bú sát bên; sau nửa cữ bú nên cho bé dừng lại để giúp bé ợ hơi…

2. Mẹ ít sữa hoặc bị tắc tia sữa
Bên cạnh vấn đề sản xuất và tiết sữa quá nhiều, lại có nhiều mẹ rơi vào trường hợp sữa về ít, bị tắc tia sữa hoặc thậm chí là không có sữa. Nguyên nhân có thể là do chế độ dinh dưỡng và nghỉ ngơi, thư giãn của mẹ trước và trong khi sinh chưa hợp lý, khiến cơ thể không đủ khỏe mạnh để sản xuất đủ sữa cho bé bú.

Trước và sau khi sinh, mẹ cần bồi bổ đầy đủ các chất dinh dưỡng cần thiết, chú trọng bổ sung thêm chất đạm, vitain, khoáng chất và các yếu tố vi lượng, có như vậy sữa mới về nhiều sau khi sinh, đặc biệt sau khi sinh, mẹ cần bổ sung vào chế độ ăn hàng ngày của mình những món ăn lợi sữa như cháo móng giò đu đủ xanh, cháo thịt thăn, cháo chân dê, sữa nóng, kết hợp uống nhiều nước ấm, chè lá vằng, chè đậu đỏ mè đen, rau lang với số lượng vừa đủ. Trong thai kỳ, mẹ cũng cần giữ một tinh thần thoải mái, thư giãn, tránh căng thẳng, stress, làm việc quá mức có thể dẫn đến tắc sữa, thậm chí là mất sữa sau sinh.

Bên cạnh đó, có một số biện pháp có thể cải thiện tình trạng ít sữa của mẹ, như: cho bé bú sớm và đúng tư thế, thường xuyên mát xa bầu ngực trước và sau khi sinh, giữ sạch núm vú bằng cách lau nhẹ nhàng khăn đã nhúng vào nước ấm trước và khi cho bé bú, dùng máy hút sữa bởi vì đây được xem là trợ thủ đắc lực trong việc kích thích sữa mẹ tiết nhiều hơn…

Trên đây là một số mẹo cũng như biện pháp kích thích việc tiết sữa sữa hoặc điều chỉnh lượng sữa khi tiết ra quá nhiều. Áp dụng đúng cách, đúng thời điểm và có sự phối hợp nhịp nhàng giữa các biện pháp, mẹ sẽ thu được kết quả khá bất ngờ đấy!

3.  Bé khóc đêm (khóc dạ đề)
Khóc đêm là hiện tượng thường gặp ở các bé dưới 6 tháng tuổi vì một số lý do như rối loạn hệ tiêu hoá, quá nóng hoặc quá lạnh, đầy hơi khó chịu hoặc bị kích thích từ môi trường bên ngoài… hoặc không do một nguyên nhân rõ ràng nào mà nhân gian hay gọi là khóc dạ đề.

Đối với khóc có thể nhận biết nguyên nhân, mẹ chỉ cần khắc phục những nguyên nhân đó là bé có thể ngưng khóc và chịu đi ngủ trở lại. Đối với khóc dạ đề, đây là hiện tượng bé quấy khóc rất lâu gần như là liên tục hơn 3 tiếng và lặp lại từ 3 lần hoặc nhiều hơn trong một tuần, 3 tuần trên một tháng. Theo các chuyên gia, nguyên nhân có thể là do nhu động ruột của bé đột ngột tăng lên, không đều đặn do một số yếu tố nào đó, khiến bé bị đau bụng dữ dội, gây khó chịu và quấy khóc. 

Đến khi bé hơn 6 tháng tuổi, nhu động ruột hoàn chỉnh, bé sẽ trở lại bình thường và ngưng quấy khóc vào mỗi đêm. Nếu hiện tượng khóc đêm kéo dài quá thời gian trên hoặc đi kèm với các triệu chứng khác như bé vã mồ hôi, biếng ăn, nóng sốt … thì đây không còn là khóc dạ đề vô hại, mà là khóc đêm bệnh lý. Ở trường hợp này, mẹ cần đưa bé đi khám bác sĩ để nhận được lời khuyên và hướng điều trị tốt nhất.

Đối với khóc dạ đề, đến nay y học hiện đại vẫn chưa tìm ra phương pháp chữa trị nhất định. Điều quan trọng nhất là các mẹ cần luôn giữ bình tĩnh và thoải mái khi bắt gặp bé khóc dạ đề. Trước tiên, mẹ cần chắc chắn rằng bé không đói, cần thay tã hay khó chịu vì vướng vào vật nào đó… Sau đó, có thể dùng khăn nhúng vào nước ấm và lau khắp người bé, dùng túi chườm ngâm nước nóng đắp vào thành bụng của bé, hát ru bằng những câu ca nhẹ nhàng ngọt ngào, hoặc đơn giản là ôm ấp, vỗ về, nâng niu bé vì có thể bé đang cần tình yêu thương và sự quan tâm của mẹ!

Mẹ có thể tham khảo thêm các mẹo để làm cho bé nín khóc ngay lập tức.

4. Bé đầy hơi, khó tiêu
Đầy hơi, khó tiêu ở bé sơ sinh là triệu chứng thường gặp do chế độ ăn uống, dinh dưỡng của trẻ không hợp lý cũng như cách cho bé ăn, bé bú. Nếu bị đầy bụng, khó tiêu lâu ngày, bé sẽ khó lên cân, biếng ăn và dễ nôn oẹ. Giải quyết tình trạng này, mẹ nên thử thay đổi chế độ ăn uống của bé và thực hiện một số biện pháp giúp bé dễ chịu hơn sau khi ăn như mát xa bụng, vuốt lưng để đẩy hơi ra ngoài. 

Có 3 cách vuốt lưng phổ biến được các mẹ áp dụng mỗi khi cho bé bú xong. Thứ nhất là đặt bé ngồi thẳng trong lòng mẹ, sau đó dần dần cho bé ngả người về phía trước, một tay giữ ngang ngực bé, tay còn lại vỗ hoặc xoa nhẹ vùng lưng bé. Thứ hai là bế bé ngả vào vai mẹ và duỗi hai tay xuống, một tay vỗ hoặc xoa lưng bé, tay còn lại ôm mông bé. 

Cách thứ ba là đặt bé nằm sấp trong lòng mẹ, giữ bé thật chặt bằng một tay, tay còn lại vỗ hoặc xoa lưng bé. Áp lực nhẹ nhàng từ đùi của mẹ tác động lên bụng bé sẽ giúp bé ợ hơi dễ dàng. Những động tác vỗ hoặc xoa lưng sẽ giúp bé cảm thấy dễ chịu hơn.

Đầy hơi, khó tiêu, chướng bụng ở các bé sơ sinh chủ yếu đến từ cách bố mẹ cho bé bú bình sữa và bình sữa bé sử dụng. Khi cho bé bú bình, mẹ nên nghiêng bình sữa một góc 45 độ so với phương ngang để sữa lấp đầy núm ty, bé sẽ bú trọn vẹn dòng sữa mà không phải nuốt không khí trong lúc bú. Sau mỗi nửa cữ bú, mẹ nên cho bé dừng lại và giúp bé đẩy hơi ra. 

Bên cạnh đó, bình sữa loại gì cũng là yếu tố quyết định không nhỏ vấn đề đầy hơi ở trẻ nhỏ. Bố mẹ nên chọn bình sữa với van thông khí đặc trưng với chức năng chống đầy hơi cho trẻ nhỏ như bình sữa Dr. Brown, bình sữa Born Free, bình sữa Comotomo …

Có vô số thứ mẹ bầu cần chuẩn bị trước khi sinh để đón bé yêu chào đời được trọn vẹn nhất, đôi khi sẽ gây bối rối và hoang mang cho các mẹ. Với bài viết này, hi vọng sẽ thực sự có ích cho các mẹ trong hành trình chuẩn bị đón bé yêu chào đời nhé.
Babymart.vn

Bình luận