Các loại thuốc và hóa chất gây dị tật (Phần 1)

Các loại thuốc và hóa chất gây dị tật cần được thai phụ lưu ý cẩn thận khi có nhu cầu muốn sử dụng. Một số loại thuốc quinin, penicillin, kháng sinh Tetracyclines, các chất Alcaloid,... có chứa những thành phần vô cùng độc hại, là chất xúc tác khiến cho thai bị dị tật, tổn thương hình dạng và sức khỏe. Trong 8 tuần đầu mang thai, tốt nhất mẹ bầu tuyệt đối không nên sử dụng bất kỳ loại thuốc nào, sau đó có thể dùng theo sự chỉ định, chứng nhận an toàn của bác sĩ.
Đôi khi những thuốc đã được nghiên cứu kỹ chứng tỏ vô hại song vẫn có khả năng gây quái thai.
- Các chất Alcaloid: Nicotine và caffeine. Không gây dị tật cho người, nhưng nicotine trong thuốc lá có ảnh hưởng đến sự tăng trưởng của thai (Werler và cs, 1986). Mẹ hút thuốc có thể làm thai bị chậm phát triển. Trường hợp nghiện thuốc lá nặng (trên 20 điếu/ngày) thì tỉ lệ sinh non tăng gấp đôi so với người không hút và trẻ sinh ra thường bị thiếu cân. Nicotine làm co mạch, làm giảm lượng máu tới tử cung, do đó giảm lượng oxy và chất dinh dưỡng đến cho thai, làm thai kém tăng trưởng và thiểu năng tinh thần. Page và cs, 1981 cho rằng chậm tăng trưởng là do nhiễm độc khói thuốc trực tiếp; chính nồng độ carboxyhemoglobin cao trong máu của mẹ và thai làm xáo trộn hiệu năng trao đổi khí của máu và làm thai thiếu dưỡng khí. Caffein không phải là chất gây dị tật, song không có gì bảo đảm nếu phụ nữ có thai dùng caffein quá nhiều. Chính vì vậy phụ nữ khi mang thai không nên dùng nhiều trà và cà phê.
 
- Rượu: Mẹ nghiện rượu sinh ra con bị kém phát triển trước sanh, sau sanh bị thiểu năng tinh thần, ngoài ra còn có các dị tật khác nữa. Các dị tật do rượu như: khe mi mắt ngắn, kém phát triển xương hàm trên, dị dạng chỉ tay, dị dạng khớp xương và tim bẩm sinh, được gọi chung là Hội chứng thai ngộ độc rượu (Jones và cs, 1974; Mulvihill, 1986).
Một trong những nguyên nhân gây thiểu năng tinh thần bẩm sinh thường gặp là do mẹ có dùng rượu. Những trường hợp người mẹ chỉ dùng lượng rượu tương đối (50-70g /ngày) cũng có thể gây hội chứng thai ngộ độc rượu, đặc biệt là trong những trường hợp mẹ dùng rượu và có suy dinh dưỡng. "Xĩn" trong khi mang thai sẽ gây tổn thương cho thai.
- Các chất kích thích tố: Các kích thích tố sinh dục loại progesterone thường được dùng cho người mẹ đang mang thai để tránh sảy thai.
Bất kỳ kích thích tố sinh dục nào cũng có hại cho thai, làm cho thai nữ có bộ phận sinh dục ngoài bị nam hóa. Mức độ dị tật tùy thuộc loại và liều kích thích tố. Dị tật gồm phì đại âm vật, các môi lớn to và dính nhau. Các thuốc thường gặp là progestins, ethisterone và norethisterone (Venning, 1965). Ngoài ra Progestin cũng gây ra dị tật tim mạch (Heinoen và cs, 1977). Testosterone cũng gây nam hóa các thai nữ.
Dùng các thuốc ngừa thai viên (có chứa progestogens và estrogens) trong giai đoạn đầu (từ ngày 15 đến ngày 60) mà không biết có thai sẽ có thể phát sinh dị tật. Có 13 đứa trẻ/19 người mẹ có uống thuốc ngừa thai khi đã có thai bị H/C VACTERAL (viết tắt của nhóm dị tật: V-cột sống, A-hậu môn, C-tim, T-khí quản, E-thực quản, R-thận và L-chi) (Nora và Nora, 1975).
 
Mẹ dùng Stilbestrol khi mang thai sanh con bị dị dạng tử cung và âm đạo (Ulfelder, 1986). Ba loại dị tật thường gặp của Stilbestrol là: loạn phát triển hạch ở âm đạo, lở cổ tử cung và sùi cổ tử cung có thể cùng xuất hiện khi dùng thuốc ngừa thai lúc đã có thai. Trong tài liệu Teratogen Update của Sever và Brent, 1986 có ghi Diethylstilbesterol là 1 chất gây quái thai cho người.
Một số phụ nữ trẻ từ 16-22 tuổi bị mắc chứng ung thư biểu mô - tuyến ở âm đạo do trước kia có mẹ trong khi mang thai đã dùng estrogen trong tam cá nguyệt thứ 1 (Herbst và cs,1974; Hart và cs, 1976). Tỉ lệ ung thư này do mẹ dùng diethylstlibestrol đã có giảm (Golbus, 1980). Tỉ lệ ung thư do mẹ dùng diethylstilbestrol ngày nay còn dưới 1/1.000 (Ulfelder, 1986).
- Penicillin đã được dùng rộng rãi cho phụ nữ có thai nhiều năm qua và không ghi nhận có dấu hiệu gây tổn thương cho phôi và thai.
- Streptomycin dùng trị liệu lao cho mẹ có thể sinh con bị điếc (Golbus, 1980). Có hơn 30 trường hợp điếc và có 8 trường hợp tổn thương thần kinh đã ghi nhận được do dùng streptomycin.
- Quinin: Trước kia người ta thường dùng quinin với liều cao để phá thai và đã ghi nhận quinin gây điếc bẩm sinh cho thai.
- Kháng sinh Tetracyclines truyền qua nhau tích tụ trong răng và xương thai nhi làm vàng răng sữa của trẻ. Không những thế, tetracyline còn gây ra nhiều dị tật khác như xương ngừng phát triển, thiểu sản men răng, răng vĩnh viễn (trừ răng hàm 3) cốt hóa sau sinh và hoàn thành cốt hóa đến 8 tuổi. Do vậy, các chuyên gia khuyến cáo phụ nữ mang thai và trẻ em không nên dùng kháng sinh tetracyclines để bảo vệ cho hình hài và sức khỏe của trẻ được bình thường, toàn diện.
Babymart.vn/Tổng hợp

Bình luận