Những thay đổi ở người mẹ khi mang thai

Những thay đổi ở người mẹ khi mang thai sẽ rất nhiều như màu da trở nên sậm đi, hệ tiêu hóa khó chịu gây nôn ói với thực phẩm hôi tanh - nhiều, chất béo, xương khớp mềm - giãn, niêm mạc bàng quang phù nề,... Do vậy thai phụ cần chú ý chăm sóc tốt cho bản thân, tạo điều kiện cho thai nhi phát triển tốt. Đặc biệt, thai phụ nên biết nuông chiều bản thân, ăn uống nhiều dưỡng chất, thường xuyên tập luyện, ngủ nghỉ hợp lý.
1. Thay đổi ở da: Có hai thay đổi quan trọng ở da của những bà mẹ đang mang thai, đó là:

- Từ tháng thứ 2 trở đi, da bắt dầu sậm màu hơn bình thường, nhất là các vùng của cơ quan sinh dục, vú, mặt. Các bà mẹ sẽ thấy mình bị đen đi, đôi khi có những vết nám ở hai gò má, ở mép trên. Ở bụng sẽ thấy có một đường thẳng màu nâu sậm chạy từ rốn xuống đến xương mu...

- Từ tháng thứ 5 trở đi, có thể xuất hiện những vết nứt da ở bụng, háng, đùi, mông, đôi khi cả ở vú. Mới nứt thì vết này màu tím hồng hoặc nâu sậm. Sau đó từ từ chuyển sang màu trắng, nhưng vẫn còn là những vết nứt, không bao giờ láng o như chưa sanh được.
2. Tuyến vú: Ngay từ khi mới có thai, vú đã lớn lên, xuất hiện tuần hoàn tĩnh mạch phụ. Đầu vú to lên, nhô lên sậm màu. Nhạy cảm hơn, nặn có thể ra sữa non, nhất là vào những tháng cuối của thai kỳ. Quầng vú phồng lên, sậm màu, nổi nhiều hạt lấm tấm nhỏ như đầu tăm, gọi là hạt Mongtgomery.
3. Âm hộ - âm đạo: Khi có thai âm đạo có nhiều mạch máu, các tĩnh mạch giãn nở ra, vì vậy sẽ nhìn thấy màu tím sậm, thay vì hồng nhạt như bình thường. Các niêm mạc âm đạo dày lên, phù mọng - nhất là vào các tháng cuối. Tầng sinh môn mềm ra, các môi lớn và môi nhỏ cũng có các tĩnh mạch giãn rộng, dưới da cũng có hệ thống mạng lưới tĩnh mạch phong phú... Tất cả những thay đổi này làm người phụ nữ có cảm giác cửa mình "nặng" hơn bình thường, "tức tức" hơn bình thường và "to" hơn bình thường.
4. Thay đổi huyết học: Do thay đổi về nội tiết, máu của người mẹ mang thai sẽ loãng hơn bình thường do giữ nước. Thể tích máu tăng khoảng 30% (tức là khoảng 1,4 lít). Lúc thai đủ tháng, máu khoảng 6-7 lít, vì thế tim người mẹ phải làm việc nhiều hơn, cho nên rất dễ suy tim khi người mẹ bệnh tim sẵn. Đây chính là lý do để các bác sĩ khuyên những người phụ nữ bị bệnh tim không nên sanh đẻ, vì rất nguy hiểm đến tính mạng.
5. Thay đổi ở hệ hô hấp: Vào những tháng cuối của thai kỳ, do thai nhi lớn lên, tử cung to ra, chèn ép vào phổi, làm cho các bà bầu hay khó thở, thường thở nông và nhanh. Để giảm bớt khó chịu, khi nằm nghỉ các bà bầu nên nằm đầu cao và nên nằm nghiêng sang một bên, sẽ thấy dễ chịu hơn khi nằm ngửa.
6. Hệ tiết niệu: Niêm mạc bàng quang phù nề, niệu quản giảm nhu động, dài và cong queo. Do đó dẫn lưu nước tiểu kém. Thai phụ sẽ tiểu nhiều hơn bình thường, nhiều lần hơn bình thường.
7. Hệ thần kinh: Dễ mất thăng bằng về thần kinh, hay trở nên khó tính, dễ nóng giận, buồn bực một cách vô cớ. Đây cũng là một điều mà các "quý ông" cần hiểu, để thông cảm, để chăm sóc các "quý bà" một cách dịu dàng hơn.
8. Xương khớp: Các khớp trở nên mềm, giãn; nhất là các khớp vệ, khớp cùng cụt, khớp háng. Đây chính là nguyên nhân làm cho một số sản phụ đau rất nhiều, nhất là khi đi lại, hoặc thay đổi tư thế: nằm bên này xoay sang bên kia, hoặc đang nằm ngồi dậy...Dễ có hiện tượng ưỡn cột sống lưng (do mang bầu to, ưỡn lưng ra để cân bằng tư thế).Có hiện tượng mất Calcium, do vậy sẽ làm xương bị yếu đi, xốp hơn bình thường, gọi là loãng xương, răng dễ bị mẻ, bị sâu...
9. Hệ tiêu hóa: Sau khi trải qua giai đoạn 3 tháng đầu của thai kỳ, thai phụ sẽ không còn cảm giác nôn ói nữa, hoạt động ăn uống sẽ trở lại bình thường. Đôi khi, triệu chứng nôn ói ở một số thai phụ vẫn còn kéo dài đến 5 - 6 tháng do dịch vị và chức năng dạ dày giảm.
Do nhu động ruột giảm dễ khiến thai phụ bị táo bón, đại tràng bị tử cung chèn ép khiến cho việc tống phân bị khó khăn. Để trị táo bón, mẹ bầu nên ăn nhiều rau tươi, trái cây và uống nhiều nước để hấp thu nhiều chất xơ, thường xuyên vận động cơ thể như đi bộ, tập bài tập dành cho và bầu.
Babymart.vn/Tổng hợp

Bình luận