1. Dạy con phát âm từng chữ cái kèm ví dụ sinh động
Đó là sử dụng những tấm card nhỏ in hình chữ cái kèm hình ảnh hoặc chỉ cho con những chữ cái xuất hiện trong môi trường xung quanh như các biển báo giao thông, biển hiệu quảng cáo, nhãn hiệu thực phẩm, quần áo, tạp chí…. Trẻ sẽ bị thu hút và vô cùng thích thú với những màu sắc và tranh ảnh.
Khi dạy trẻ bảng chữ cái, hãy kết hợp với những hình khối và màu sắc đa dạng để kích thích sự tò mò của trẻ. Ảnh minh họa
2. Thực hiện nguyên tắc “Mưa dầm thấm lâu”
Ngay từ khi còn nhỏ, mẹ hãy thường xuyên nói chuyện với bé, hướng dẫn bé quan sát và nêu câu hỏi.
Mẹ hãy tạo môi trường “toàn chữ” cho bé. Ví dụ cho bé nghe những bài hát thiếu nhi, dạy bé hát vè và đồng dao, xem những câu đối ngày tết, kể chuyện cho bé nghe… Bé sẽ “bị” ảnh hưởng, từng bước liên tục xem chữ, đọc từ, đọc câu. Bé càng thích nghe kể chuyện, đọc chữ, bé càng nhanh biết chữ.
Điều này cũng đơn giản như bé bình thường học nói. Đến khoảng 2, 3 tuổi là bé đã có thể nói được.
3. Đừng quá quan trọng vào việc phát âm chuẩn khi dạy bảng chữ cái cho trẻ
Trẻ học chữ ban đầu không thể phát âm chuẩn như người lớn mong muốn. Đó là điều hiển nhiên. Khi con phát âm sai, đừng la mắng hay bắt con đọc đi đọc lại cho đến khi chính xác. Những hình phạt này vô hình sẽ làm giảm hứng thú học tập của con.
Các mẹ hãy coi đây chỉ như một bước tiến xa hơn trong quá trình tập đọc, không phải là mục địch cuối cùng. Trong quá trình giao tiếp hàng ngày, bé sẽ tự sửa chữa và hoàn thiện khả năng phát âm của mình.
4. Dạy trẻ làm quen với chữ cái viết thường trước
Hẳn các mẹ đều nhận thấy sách giáo khoa luôn luôn dạy chữ viết hoa trước chữ viết thường? Tuy nhiên theo thống kê, chữ viết hoa chỉ chiếm 5% trong mọi văn bản hay sách báo, hay truyện đọc. Do vậy, hãy cho con làm quen với bảng chữ cái ở dạng viết thường trước. Chữ viết thường rất quan trọng trong việc phát triển kỹ năng đọc của trẻ.
5. Hình thành thói quen học tập cho trẻ
Điều quan trọng nhất, bố mẹ hình thành cho bé một thói quen học tập. Ví dụ như việc học chữ, cũng phải hình thành thói quen tốt như kiên trì, tập trung học…
Những bé hiếu động, bộp chộp, đứng ngồi không yên, cười đùa gây rối, ném sách ném vở, không kiên trì… thì việc học cũng khó thành công.
Nhưng bố mẹ phải tạo cho thói quen học của bé có sự sinh động thú vị, đồng thời phải nghiêm túc.
6. Hãy để con đọc và viết cùng một lúc
Trẻ nhỏ sẽ biết đọc nhanh hơn nếu cùng tập đọc và viết một lúc. Khi cho con đọc sách, hãy luôn khuyến khích con đồng thời đánh vần và viết chữ cái đó ra. Điều này sẽ kích thích trí não và giúp trẻ nhớ lâu bởi vừa đọc vừa viết chẳng khác nào “học đi đôi với hành”.
7. Đọc sách cho con nghe hàng ngày
Việc đọc sách cho trẻ nghe hàng ngày thực tế không thể giúp con bạn biết đọc. Tuy vậy, nó lại có một tác dụng to lớn trong việc tạo niềm yêu thích và hứng khởi với sách và các chữ cái cho con. Trong khi đọc truyện cho con, hãy cố gắng tạo sự tương tác, hỏi con những nội dung có trong truyện. Điều này giúp con hiểu hơn những gì con được nghe.
Mặt khác, các bậc phụ huynh hãy luôn cố gắng làm gương cho con. Dù rất bận rộn đến đâu thì cũng hãy cho con thấy mình đang đọc sách mỗi ngày. Các mẹ có thể đọc báo, tạp chí, sách dạy nấu ăn hay tiểu thuyết… Trẻ sẽ thấy đọc sách là một việc tốt mà người lớn cũng luôn làm hàng ngày để từ đó noi theo.
Trẻ con thường còn rất ham chơi và khó có khả năng tập trung lâu dài, mẹ cần kiên nhẫn khi dạy con tập đọc. Dù dạy con theo phương pháp nào, các mẹ cũng nên chú ý yếu tố tiên quyết đó là truyền được sự hứng khởi và đam mê cho con. “Học mà chơi, chơi mà học” chính là chìa khóa thành công trong việc giáo dục con trẻ mà tôi luôn tâm niệm.
8. Vừa học, vừa chơi, vừa cười
Bố mẹ dạy bé chữ qua các trò chơi, có dụng ý. Nhưng đối với bé là dạy một cách vô thức. Học mà chơi, chơi mà học. Không nên định ra chỉ tiêu, mức độ mà hãy tạo cho bé sự vui vẻ, hoạt bát trong việc học.
Mỗi lần, bố mẹ có thể chỉ cần dạy cho bé trong vài phút, thậm chí là vài giây. Nên kết thúc “việc học” trước khi bé thấy chán. Làm như vậy, bé mới giữ được hứng thú học lâu dài, sẽ chủ động yêu cầu bố mẹ dạy chữ, không cần người lớn ép học đó mới là phương pháp giáo dục sớm.
Người lớn trong gia đình thường xuyên đọc chữ, đọc sách trước mặt bé để kích thích sự tò mò của bé. Bố mẹ cũng luôn nhớ động viên, khích lệ bé, dù bé có học được nhiều hay không. Không nên so sánh giữa bé này và bé khác trong cùng gia đình. Nên để bé được tự do học hỏi, tìm hiểu, thậm chí là nghịch các đồ vật, sách vở của bố mẹ.
Mục đích giảng dạy quan trọng nhất của bố mẹ là xây dựng sự hứng thú và lòng ham học hỏi của bé. Không nên áp đặt bé học hay nóng lòng muốn bé phải biết chữ ngay. Bởi “quá nóng vội sẽ hỏng việc”.
Theo Kidstv