Khi trẻ không nghe lời làm bạn bực mình và muốn phết vào mông trẻ để chúng chịu hợp tác. Thực tế là khi đánh đòn trẻ thì trẻ sẽ ngưng ngay quấy rối hay nghịch ngợm. Tuy nhiên có rất nhiều nghiên cứu của các nhà khoa học Mỹ gần đây lại nhận định rằng về lâu dài, việc đánh đòn trẻ dù nhiều hay ít cũng sẽ có hậu quả.
Dưới đây là một số hậu quả có thể xảy ra khi bạn dạy còn bằng phương pháp đánh đòn:
Dưới đây là một số hậu quả có thể xảy ra khi bạn dạy còn bằng phương pháp đánh đòn:
Trẻ trở nên khó hòa đồng…
Đánh con là một biện pháp dạy trẻ khá phổ biến trên thế giới hiện nay. Theo một báo cáo vào năm 2014 của UNICEF, có đến 80% cha mẹ đã từng đánh con dù không có một bằng chứng khoa học rõ ràng nào cho thấy việc đánh con mang lại hiệu quả trong việc dạy trẻ.
Các nhà khoa học thuộc trường đại học Texas và đại học Michigan mới đây công bố một kết quả nghiên cứu tổng hợp bao gồm 160,000 trẻ nhỏ tại Mỹ trong vòng 5 thập niên, cho thấy việc đánh đòn trẻ khiến trẻ thách thức bố mẹ hơn, có nhiều khả năng gặp các trở ngại về giao tiếp xã hội và có vấn đề về sức khỏe tâm thần. Nói về kết quả của nghiên cứu này, bà Elizabeth Gershoff, giáo sư ngành nghiên cứu khoa học gia đình và phát triển con người, đồng thời là đồng tác giả của nghiên cứu cho biết:
Chúng tôi phân tích các kết quả nghiên cứu và thấy là 99% kết quả cho thấy mối liên quan giữa đánh đòn và những ảnh hưởng tốt sau này đối với trẻ…
Kết quả nghiên cứu cho thấy đánh đòn trẻ nhỏ dẫn đến 17 hậu quả, bà Elizabeth Gershoff nói tiếp:
"Kết quả nghiên cứu cho thấy đánh đòn không làm cho trẻ ứng xử tốt hơn, không làm cho chúng ít gây gổ hơn và cũng không làm cho chúng dễ hòa đồng hơn và sẵn sàng chia sẻ với người khác hơn." - Bà Elizabeth Gershoff
Kết quả nghiên cứu cho thấy đánh đòn không làm cho trẻ ứng xử tốt hơn, không làm cho chúng ít gây gổ hơn và cũng không làm cho chúng dễ hòa đồng hơn và sẵn sàng chia sẻ với người khác hơn. Thay vào đó kết quả là chúng ít hòa đồng hơn, thích gây gổ hơn và có những vấn đề về tâm lý. Nó cũng liên quan đến việc bố mẹ đánh trẻ thường xuyên hay không.
Các nhà nghiên cứu đã kiểm tra những hậu quả lâu dài ở những người lớn, những người đã từng bị đánh đòn khi còn nhỏ. Kết quả cho thấy là khi những người này càng bị đánh đòn nhiều lúc còn nhỏ thì họ càng dễ trở nên khó hòa đồng với xã hội hơn và càng dễ bị các vấn đề về sức khỏe tâm thần. Ngoài ra họ cũng thường thích áp dụng các hình phạt đánh đòn chính con của họ. Theo các nhà khoa học điều này lý giải một yếu tố quan trọng trong vấn đề về thái độ của mọi người đối với hình phạt đánh đòn trẻ nhỏ được truyền từ đời này sang đời khác.
Chị Tâm, một bà mẹ có hai con nhỏ ở Hà Nội cho biết chị cũng đã từng bị bố đánh đòn khi còn nhỏ nhưng cũng chính vì vậy mà chị không muốn áp dụng hình phạt này đối với chính những đứa con của mình.
Ngày xưa mình có sợ bố mẹ đánh đâu. Đánh chỉ đau lúc đấy, sau đó quên ngay. Trẻ con bây giờ thích mình nói chuyện. Ngày xưa các cụ nhà mình có bao giờ nói chuyện với mình đâu. Cứ điên tiết lên là đánh.
Một nghiên cứu của các nhà khoa học thuộc trường đại học Columbia, Mỹ công bố vào năm 2014 cho thấy việc đánh trẻ thường xuyên sẽ khiến trẻ càng trở nên bất trị hơn khi lớn. Giáo sư Michael MacKenzie, tác giả nghiên cứu, so sánh việc đánh trẻ để dậy trẻ giống như một cuộc chạy đua vũ trang. Khi cha mẹ đánh càng nhiều thì trẻ càng trở nên hung hăng hơn và cả hai phía cuối cùng bị cuốn vào một vòng xoáy vũ lực không dừng. Bà Elizabeth Gershoff nói về hậu quả trực tiếp và phổ biến nhất của việc dùng vũ lực với trẻ như sau:
"Nghiên cứu cho thấy kể cả khi bố mẹ chỉ đánh đòn con một lần trong đời thì cũng có kết quả không tốt." - Bà Elizabeth Gershoff
Nghiên cứu cho thấy là trẻ bị đánh đòn thì chúng học được bài học là bố mẹ luôn căng thẳng và rằng chúng có thể đánh người khác để đạt được điều chúng muốn. Nếu bạn có quyền lực thì bạn có thể dùng nó. Cho nên không có gì ngạc nhiên khi thấy những trẻ hung hăng ở sân chơi bởi vì bố mẹ các em đã áp dụng cách làm này. Các em học được từ bố mẹ. Các em bắt chước bố mẹ. Các em cũng học được là người khác mạnh hơn, lớn hơn các em sẽ làm các em đau và cho nên các em phải cẩn thận và luôn có suy nghĩ là ai đó chuẩn bị đánh các em.
Và khi có suy nghĩ đó thì có thể các em hung hăng hơn như là một cách để tự bảo vệ. Đó là một bài học không hay từ đánh đòn. Ngoài ra khi bố mẹ quen đánh đòn các em thì các em biết là các em sẽ bị đánh khi không ngoan nhưng khi bố mẹ không ở quanh thì các em không cần phải hành xử tốt hơn.
… và hung hăng hơn
Các nhà nghiên cứu ở trường đại học Columbia thấy rằng những trẻ có nhiều biểu hiện không nghe lời thì thường bị đánh nhiều hơn. Điều này cho thấy là trẻ càng khó dạy thì càng bị đánh nhiều tùy theo từng độ tuổi. Nhưng khi trẻ càng bị đánh nhiều thì dường như các em lại càng mắc lỗi nhiều hơn. Bác sĩ tâm lý trẻ em Phương Thúy ở tiểu bang California, Hoa kỳ, giải thích về hiện tượng này:
Quý vị cần phải nhớ là các em rất giỏi, rất có tài làm cho người lớn điên lên. Nhiều khi các em cố tình làm việc thật là hư, thật là tệ để xem coi cha mẹ bình tĩnh cỡ nào. Nhiều phụ huynh thời gian đầu cũng bình tĩnh, cũng vẫn ngọt ngào giải thích, nghiêm nghị, nhưng trẻ rất giỏi về chuyện khiêu khích để làm cha mẹ mất bình tĩnh.
Việc cha mẹ mất bình tĩnh và phết đít con một hai cái là điều xảy ra khá thường xuyên. Theo các bác sĩ tâm lý và các nhà nghiên cứu thì trẻ bị phết đít một vài lần không hẳn đã gây tác hại lâu dài vì điều này còn phụ thuộc vào thái độ và biện pháp nuôi dậy trẻ về lâu dài của bố mẹ.
Bà Elizabeth Gershoff nói:
Bà Elizabeth Gershoff nói:
Nghiên cứu cho thấy kể cả khi bố mẹ chỉ đánh đòn con một lần trong đời thì cũng có kết quả không tốt. Điều này không có nghĩa là mọi trẻ bị đánh đòn một lần trong đời đều bị ảnh hưởng xấu vì nó tùy thuộc vào nhiều yếu tố khác nhưng đánh đòn làm tăng rủi ro trẻ bị ảnh hưởng không tốt. Vì vậy trẻ càng bị đánh đòn nhiều thì rủi ro càng cao. Nhưng tôi cũng phải nói là phần lớn trẻ chỉ bị đánh một hay vài lần thì không có vấn đề gì vì bố mẹ đã làm những điều nên làm cho trẻ để nuôi dạy trẻ như nói chuyện với trẻ, thuyết phục trẻ trong cách hành xử. Đây là những bài học quan trọng trong nuôi dậy trẻ và vì vậy trẻ tốt hơn, ngoan hơn. Trong khi một vài lần đánh đòn thực sự không giúp trẻ ngoan hơn.
Trên thực tế, có những ông bố bà mẹ cho rằng mình có thể thỉnh thoảng phết đít trẻ khi trẻ ở vào những độ tuổi nhất định thì sẽ có hiệu quả hơn khi trẻ đã quá lớn hoặc quá nhỏ. Nhưng các nhà nghiên cứu không đồng ý với suy nghĩ này. Bà Elizabeth Gershoff nói tiếp:
Việc đánh đòn thường xảy ra ở độ tuổi 3 hay 4 nhưng các nghiên cứu cho thấy là đánh đòn có liên quan đến hậu quả sau này cho trẻ từ khi còn sơ sinh cho đến khi lớn. Khi trẻ còn nhỏ, đánh đòn thì có rủi ro làm trẻ bị thương. Khi trẻ lớn hơn thì các em có thể phản ứng bằng vũ lực trở lại. Cho nên luôn có rủi ro khi đánh đòn trẻ dù ở bất cứ độ tuổi nào.
Khi trẻ lớn hơn trẻ cũng hiểu hơn về các mối quan hệ, về sức mạnh và quyền lực, về việc bố mẹ dùng đòn roi với chúng và chúng hoàn toàn không cho rằng đánh đòn là hợp lý. Việc đánh đòn trẻ ở độ tuổi này sẽ chỉ có hại cho mối quan hệ giữa bố mẹ và trẻ và các em sẽ không còn tin tưởng bố mẹ mình nữa. tôi không biết một số liệu nào cho thấy đánh đòn có kết quả tốt hơn dù ở bất cứ độ tuổi nào.
Các bác sĩ tâm lý đồng ý rằng việc nuôi dạy trẻ nhỏ không bao giờ là một việc dễ dàng nhất là vào những lúc trẻ không nghe lời và làm các ông bố bà mẹ bực mình đến mức chỉ muốn phết vào đít trẻ một cái. Nhưng ngày nay, các bậc cha mẹ luôn có nhiều lựa chọn trong cách nuôi dạy con cái hơn là chỉ dựa vào biện pháp vũ lực để răn đe con trẻ.
Theo lamchame.com
Theo lamchame.com