7 bí quyết giúp mẹ không lo tắc tia sữa

7 bí quyết giúp mẹ không lo tắc tia sữa dưới đây cho trẻ bú sớm và thường xuyên, massage, chườm nóng bầu ngực,… đều vô cùng hiệu quả. Thực hiện đúng những cách này trong thời gian cho con bú, bầu sữa của mẹ sẽ luôn dồi dào dòng sữa ngọt ngào nuôi con khôn lớn và không còn nỗi ám ảnh của chứng tắc tia sữa. Đây là triệu chứng rất nhiều bà mẹ hay gặp sau khi sinh.

Tắc tia sữa luôn là nỗi lo của hầu hết các mẹ sau khi sinh con, bởi việc này không chỉ gây tổn hại sức khỏe, áp lực tinh thần ở mẹ mà còn ảnh hưởng đến sự phát triển của trẻ. Tắc tia sữa sẽ làm cho bầu ngực của mẹ sưng tấy, đau nhức, sữa chảy ra ít hoặc bị mất. Nếu tình trạng này ở mẹ kéo dài không được chữa trị kịp thời sẽ dẫn đến tình trạng áp xe tuyến vú, viêm tuyến vú, sốt cao. Dưới đây là những bí quyết giúp mẹ gạt đi nỗi lo tắt tia sữa và luôn dồi dào nguồn dinh dưỡng quý giá nhất cho con trong suốt những năm đầu đời.

Cho con bú sớm

7 bí quyết giúp mẹ không lo tắc tia sữa

Sau khi sinh khoảng 30 phút đến 1 tiếng đồng hồ, mẹ nên cho con bú ngay dù sữa có xuống hay chưa. Với mẹ sinh mổ thì có thể cho trẻ bú trong vòng 6 tiếng sau khi mổ. Đây là điều rất cần thiết không nên bỏ qua sau khi sinh, có tác dụng kích thích tuyến sữa của mẹ hoạt động, phòng ngừa chứng tắc tia sữa sau sinh, đồng thời trẻ nhận được nguồn sữa đầu giàu dưỡng chất rất cần cho sự phát triển. 

Nhiều mẹ thường mắc sai lầm không cho con bú sữa mẹ ngay sau sinh vì sữa chưa xuống và phải chờ từ 1 – 2 ngày sau mới cho con bú. Trong thời gian chờ đợi, mẹ và người thân cho trẻ bú sữa công thức, điều này thật sự không tốt cho cả mẹ và bé. Bởi sữa công thức hoàn toàn không phù hợp với hệ tiêu hóa của trẻ sơ sinh dễ gây dị ứng, đồng thời tạo tiền đề cho trẻ không chịu bú sữa mẹ sau này. Đây cũng là nguyên nhân khiến mẹ dễ đối mặt với chứng tắc tia sữa.

Thường xuyên cho con bú

Mẹ nên thường xuyên cho con bú sau khi sinh nhiều lần trong ngày. Mẹ chỉ nên cho trẻ bú khoảng từ 10 -  15 phút/lần, bú đều 2 bên bầu vú, không nên cho bú quá lâu hoặc quá no. Kể cả khi đang đối mặt với chứng tắc tia sữa, khuyên mẹ vẫn tiếp tục cho trẻ bú. Với hành động bú của trẻ sẽ là tác động giúp tuyến sữa của mẹ được hoạt động và tạo ra sữa liên tục, vơi rồi lại đầy. Nếu mẹ ngừng cho trẻ bú hoặc bú ít, dần dần sữa mẹ sẽ mất vĩnh viễn.

Vệ sinh bầu ngực sạch sẽ

Luôn giữ vệ sinh bầu ngực sạch sẽ giúp ngăn chặn sự tấn công của vi khuẩn - một trong những nguyên nhân khiến mẹ bị tắc tia sữa, gây hại sức khỏe cho bé. Mẹ nên tập thói quen vệ sinh bầu ngực sạch sẽ trước và sau khi cho con bú, bằng cách dùng khăn mềm nhúng nước ấm vắt ráo lau sạch núm vú, đặc biệt là kẻ núm sau đó đến bầu ngực. Mẹ nhớ không nên sử dụng xà phòng, dung dịch diệt khuẩn,… để lau vì có thể gây khô nứt, tổn thương núm vú.

Trước khi cho con bú, mẹ hãy vắt bỏ một vài giọt sữa đầu. Nếu sau khi bé bú xong vẫn còn sữa, mẹ có thể tiếp tục hút hoặc vắt phần còn lại ra ngoài nhằm ngăn tình trạng sữa thừa vón cục, tắc sữa. Bên cạnh đó, mẹ cũng nên mặc những trang phục thoải mái, áo ngực vừa vặn mềm, thoáng, không có gọng sắt để bảo vệ các ống dẫn sữa không bị đè.

Cho con bú đúng tư thế

7 bí quyết giúp mẹ không lo tắc tia sữa

Cho con bú đúng tư thế cũng là một trong những cách rất hay giúp mẹ tránh đối mặt với chứng tắc tia sữa. Khi cho con bú, mẹ hãy giữ cho đầu và thân bé trên một đường thẳng và dùng tay đỡ, bụng áp sát vào bụng mẹ, mặt đối diện với bầu ngực, miệng đối diện núm vú. Với tư thế cho con bú đúng cách này, bé sẽ cảm thấy thoải mái, ngon miệng, tránh tình trạng ngậm, cắn, nghiến đầu núm vú gây đau, nứt, tổn thương.

Massage, chườm nóng bầu ngực

7 bí quyết giúp mẹ không lo tắc tia sữa

Khi bị tắc tia sữa, ngực mẹ sẽ rất căng tức. Lúc này, mẹ có thể dùng tay nhẹ nhàng massage hai bầu ngực theo đường vòng tròn, bắt đầu từ phía ngoài bầu ngực di chuyển hướng dần về núm vú. Mẹ có thể massage với tốc độ tăng dần rồi bóp mạnh để sữa đọng bị đẩy ra ngoài.

Ngoài massage, mẹ có thể sử dụng khăn nóng hoặc túi chườm nóng chườm lên hai bầu ngực. Hơi nóng có tác dụng làm cho sữa kết đông tan dần, tia sữa thông giúp đẩy sữa ra ngoài, đồng thời xoa dịu cơn đau nhức cho mẹ.

Sử dụng một số bài thuốc dân gian

Dưới đây là một số bài thuốc dân gian trị chứng tắc tia sữa khá an toàn, hiệu quả cao, mẹ có thể áp dụng.

- Dùng vải mềm bọc xôi nếp nóng rồi chườm lên hai bầu ngực từ ngoài vào trong, liên tục chườm cho đến khi nguội. Cách chườm nóng này có tác dụng giúp mẹ “gọi” sữa về đều cả hai bên ngực.

- Giã nhuyễn lá đinh lăng và diếp cá (sau khi rửa sạch) đắp lên hai bầu ngực rồi băng lại. Ngoài ra, mẹ cũng có thể sử dụng đu đủ non sắt lát mỏng, hơ nóng và đắp lên ngực. 

- Nhỏ nhỏ men rượu rồi trộn đều với rượu tạo thành hỗn hợp sền sệt bôi lên ngực rồi dùng khăn đắp lên ủ. Sau đó vài tiếng dùng cơm nóng chườm và liên tục xoa bóp cho bầu ngực bị tắc tia sữa.

- Xay nhuyễn lá bồ công anh tươi, sắc lấy nước uống, rồi dùng bã đắp lên bầu ngực bị tắc tia sữa. 

- Nấu nước lá mít non kết hợp với lá trà tươi, lấy nước uống hằng ngày.

Ăn uống đầy đủ dưỡng chất, giữ tinh thần luôn vui vẻ

Trong thời gian cho con bú, khuyên mẹ thường xuyên uống nhiều nước và ăn uống đầy đủ dưỡng chất, tăng cường vitamin và chất xơ để nhanh chóng phục hồi sức khỏe sau sinh, tăng sức đề kháng. Bên cạnh đó, mẹ nên kiêng các gia vị nặng mùi, cay, chất béo làm ảnh hưởng đến mùi vị sữa, bé khó bú.

Thêm vào đó, mẹ cố gắng sắp xếp thời gian nghỉ ngơi hợp lý, ngủ đủ giấc và luyện tập thể dục đều đặn để tăng cường thể chất, giữ tinh thần luôn thoải mái, tươi vui. Đây cũng là một trong những bí quyết giúp mẹ tránh bị tắc tia sữa và luôn dồi dào sữa cho con bú.

Babymart.vn/Tổng hợp

Bình luận