Cách vắt và bảo quản sữa mẹ đúng cách cho trẻ sơ sinh không chỉ giúp bảo vệ bầu sữa mẹ không bị đau đớn, mà còn tiết ra dồi dào sữa và đảm bảo giá trị dinh dưỡng quý giá dành cho con. Bởi ngày nay, các bà mẹ hầu như ý thức được giá trị vô giá của nguồn sữa mẹ nên muốn duy trì và kích thích liều lượng dồi dào để cung cấp đủ cho con trong suốt những năm đầu đời. Tuy nhiên việc duy trì và bảo quản nguồn dinh dưỡng tự nhiên này lâu dài không phải là một việc dễ dàng nên cần mẹ thực hiện đúng đắn theo những cách dưới đây.
Theo lời khuyên của các chuyên gia dinh dưỡng và Tổ chức Y tế Thế giới: Các bà mẹ nên cho trẻ sơ sinh bú mẹ ngay khoảng 1 giờ sau sinh và duy trì cho bé bú hoàn toàn bằng sữa mẹ trong suốt 6 tháng đầu. Đặc biệt trong 6 tháng đầu, mẹ không nên cho trẻ ăn bất kỳ loại thực phẩm nào khác ngoài sữa mẹ. Bởi trong sữa mẹ là loại thức ăn duy nhất phù hợp với hệ tiêu hóa của trẻ sơ sinh và rất giàu dinh dưỡng đủ để cung cấp cho cơ thể bé phát triển về thể chất lẫn trí não, thậm chí tăng cường sức đề kháng và hệ miễn dịch.
Dưới đây là phương pháp vắt và bảo quản sữa mẹ đúng cách duy trì nguồn sữa dồi dào, đảm bảo giá trị dinh dưỡng nguyên vẹn cho trẻ sơ sinh.
Cách vắt sữa mẹ
Trước khi cho bé bú hoặc vắt, hút sữa, mẹ nên uống một ly nước ấm, đắp khăn ấm lên bầu ngực vài phút hoặc tắm nước ấm dưới vòi sen (các tia nước tưới lên bầu ngực) để kích thích phản xạ tiết sữa. Sau đó massage bầu ngực nhẹ nhàng, dùng bàn tay vuốt bầu vú theo về hướng “nhũ hoa” rồi dịu dàng xoa xoa núm vú. Trong lúc thực hiện massage, mẹ nên hướng suy nghĩ và dành trọn tình cảm cho con thì khả năng tiết sữa sẽ càng tăng. Trong lúc vắt, hút sữa hoặc cho con bú, tinh thần mẹ hãy thật thoải mái, thư giãn, hít sâu, thở chậm.
- Vắt sữa bằng tay
+ Trước khi dùng tay vắt sữa, mẹ hãy rửa tay bằng xà phòng cho thật sạch sẽ để tránh vi khuẩn bị hòa lẫn vào sữa
+ Khử trùng sạch sẽ các dụng cụ bình sữa, ly, cốc,…dùng để đựng và trữ sữa. Mẹ cũng có thể sử dụng túi trữ sữa để bảo quản sữa cho bé tiện lợi và lâu dài hơn.
+ Cách vắt: Đặt ngón tay cái ở núm vú và trên bầu vú, ngón trỏ ở núm vú phía dưới đối diện ngón tay cái. Ấn ngón cái và trỏ nhẹ nhàng về phía bầu vú và núm vú, liên tục ấn vào thể ra, bóp xung quanh bầu vú để kích thích sữa tiết ra.
- Hút sữa bằng máy hút sữa
+ Rửa tay thật sạch bằng xà phòng trước khi thực hiện hút sữa
+ Khử trùng các dụng cụ hút có thể và các dụng cụ đựng, trữ sữa.
+ Điều chỉnh phễu hút phù hợp với kích thước bầu sữa mẹ
+ Để miếng silicone (nếu có) trong phễu massage khoảng 5 – 7 phút
+ Tiến hành hút sữa theo hướng dẫn của loại máy hút sữa mẹ đang sử dụng
Chú ý: Hút sữa bằng máy hút sữa sẽ giúp mẹ giảm thiểu nguy cơ bị đau vú, đồng thời có tác dụng kích sữa mẹ tiết ra dồi dào hơn so với vắt sữa bằng tay. Máy hút sữa có 2 loại là bằng tay và bằng điện. Máy hút sữa bằng điện giúp mẹ hút sữa khoảng 15 – 20 phút/lần hút, hiệu quả cao hơn so với máy hút sữa bằng tay tốn khoảng từ 45 phút trở lên cho mỗi lần hút.
Cách bảo quản sữa mẹ đúng cách
Sau khi hút và vắt sữa xong, mẹ nên trữ sữa bằng túi trữ sữa hoặc bằng bình thủy tinh có nắp đậy có thời hạn bảo quản lâu để đảm bảo giá trị dinh dưỡng của sữa mẹ không bị mất. Không nên đựng quá đầy bình mà nên phân ra là nhiều bình rồi ghi hoặc dán nhãn ngày tháng, giờ hút để dành cho trẻ bú. Bình trữ sữa nào được hút trước thì cho bé bú trước.
- Đối với sữa mẹ trữ ở nhiệt độ bình thường từ 19 – 26 độ thì bảo quản trong 3 tiếng đồng hồ.
- Trữ sữa trong ngăn mát tủ lạnh sẽ bảo quản được 8 ngày
- Trữ sữa trong ngăn đá tủ lạnh có thể bảo quản được 1 năm
Cách hâm sữa
Mẹ đừng nên đun sôi sữa mẹ để cho trẻ bú, điều này sẽ làm mất chất dinh dưỡng có trong sữa mẹ. Vì thế mẹ chỉ cần chỉ cần ngâm bình sữa vào bát nước nóng (đổ nước nóng trực tiếp lên bình sữa) để hâm sữa mẹ cho bé bú hoặc sử dụng máy hâm sữa. Khi hâm sữa, mẹ tuyệt đối không để nước lọt vào sữa mẹ bên trong bình.
Babymart.vn/Tổng hợp