Bí quyết dạy trẻ cứng đầu trở nên ngoan ngoãn luôn là vấn đề khó khăn đối với các bậc phụ huynh. Tuy nhiên, để việc này trở nên đơn giản hơn, các ông bố bà mẹ thông minh hãy dạy con biết cách kiểm soát hành vi của mình ngay từ nhỏ. Dưới đây là những điều cơ bản bố mẹ nên dạy con từ khi 2 tuổi để luôn có những vi và thái độ tốt khi lớn lên.
Thiết lập cho trẻ những quy tắc chặt chẽ
Bố mẹ cần đặc những quy định rõ ràng trong nhu cầu, sinh hoạt hằng ngày của trẻ để chúng hình thành thói quen thực hiện theo những giới hạn đó mà không cần nhắc nhở, hay đòi hỏi, làm những điều vượt quá hạn mức cho phép.
- Để trẻ chịu chấp nhận tuân theo những quy định của bố mẹ đặt ra, bạn cần nói cho chúng rõ lý do tại sao phải làm như thế. Một khi hiểu được những nguyên tắc đó, trẻ sẽ rất sẵn sàng nghe lời và thực hiện theo. Ví dụ: Tối con nên đi ngủ lúc 9 giờ và dậy lúc 6 giờ để tập thể dục, điều này sẽ giúp con khỏe mạnh, thông minh và cao lớn nhanh,…
- Phụ huynh đừng kiệm lời khen dành cho trẻ khi chúng làm tốt một việc gì đó. Ví dụ như trẻ tự gấp chăn sau khi ngủ dậy, phụ giúp dọn bàn ăn hoặc chia sẻ đồ chơi cùng bạn bè thì bố mẹ cũng nên khen ngợi và động viên chúng tiếp tục phát huy.
- Phụ huynh cần làm gương cho trẻ về những nguyên tắc đặt ra. Điển hình như khi bạn đi làm về hãy để dép giày ngăn nắp lên kệ, đặt cặp xách đúng vị trí, không vứt lung tung,… thì trẻ cũng sẽ thực hiện tương tự như thế.
Rèn cho trẻ kỹ năng giải quyết vấn đề
Trẻ thường rất dễ chán nản và bỏ cuộc trước những khó khăn. Do vậy nếu được bố mẹ trang bị cho một số kỹ năng giải quyết vấn đề thì sẽ giúp bé trở nên tự tin và bình tĩnh hơn khi đối mặt với những khó khăn. Điều này còn giúp chúng phát triển khả năng tự lập, luôn có cách giải quyết trước mọi tình huống mà ít cần đến sự trợ giúp của phụ huynh.
- Rèn ý chí cố gắng cho trẻ trước những khó khăn. Mặc dù việc đó nếu được bố mẹ giúp đỡ sẽ nhanh chóng hơn nhiều nhưng dù khó khăn và mất nhiều thời gian hãy để trẻ tự đối mặt, cố gắng giải quyết chính là điều then chốt hình thành thói quen tốt, tự lập cho con.
- Hãy tạo nhiều cơ hội để con tự đưa ra quyết định và tôn trọng ý kiến đó sẽ giúp chúng tự tin vào bản thân hơn. Từ đó sẽ hình thành ở chúng tính cách tự lo cho cuộc sống của mình mà không phụ thuộc nhiều vào bố mẹ. Ví dụ như “Con thích chọn tập, bìa bao hình gì?” “Con thích bộ quần áo này hay kiểu kia?”,…
- Khi trẻ cần đến phụ huynh để giải quyết vấn đề gì đó, tốt hơn hết bạn đừng nên chỉ cách cho chúng mà hãy khuyến khích con tự nghĩ cách giải quyết theo ý của chúng. Những câu hỏi như: “Con hãy nói cho bố/mẹ nghe ý kiến của con xem nào”, “Với điều này con sẽ giải quyết như thế nào”,… Cách này sẽ có tác dụng giúp trẻ tin vào bản thân hơn, nâng cao sự tự tin khi giải quyết vấn đề.
Rèn tính kiên nhẫn cho trẻ
Trẻ nhỏ thường tỏ ra mất kiên nhẫn khi nhu cầu của chúng không được đáp ứng. Do vậy những phương pháp đơn giản dưới đây sẽ giúp phụ huynh dễ dàng rèn con hình thành tính kiên nhẫn.
- Ngay khi nhận được yêu cầu của trẻ, bố mẹ hãy rèn cho bé thói quen chờ đợi và đừng nên đáp ứng ngay. Trong quá trình chờ đợi nhất định ở bé sẽ hình thành khả năng kiểm soát tính mất kiên nhẫn.
- Sau khi trẻ hình thành được tính kiên nhẫn thì bố mẹ hãy dành lời khen và khuyến khích con tiếp tục phát huy. Ví dụ như: “Mẹ rất vui vì con đã kiên nhẫn chờ đợi mẹ rất lâu, con vất vả rồi và điều này tuyệt lắm. Mẹ cảm ơn con yêu”. Với những lời khen ngợi ngọt ngào sẽ luôn là động lực để giúp trẻ ngày càng cố gắng tốt hơn.
- Cùng trẻ chơi những trò chơi mang tính kiên nhẫn cao, điển hình như cùng con ươm mầm và trồng cây chờ cho đến ngày ra hoa kết trái. Đây cũng là cách hay dễ dạy con về bài học kiên nhẫn.
Dạy trẻ biết đồng cảm
Hãy dạy cho trẻ biết rằng, mọi vật xung quanh đều có cảm xúc và hãy đặt mình vào vị trí của người khác để cư xử.
- Để trẻ phát huy tốt tính đồng cảm của bản thân, bố mẹ hãy dạy con cách đặt mình vào hoàn cảnh của người khác. Ví dụ: Khi trẻ không cho bạn đụng vào đồ chơi của mình thay vì thuyết phục con cho bạn chơi cùng, bạn hãy hỏi trẻ “Nếu bạn cũng không cho con đụng vào đồ chơi của bạn, con sẽ thấy như thế nào?”…. Từ đó, bé sẽ tự có cách giải quyết và ứng xử hợp lý.
- Khi trẻ có hành động tốt bụng như cho thức ăn cho người nghèo bên đường, giúp đỡ bạn khó khăn, ủng hộ đồng bào lũ lụt,… bố mẹ hãy khen ngợi lòng tốt của con để làm động lực cho bé tiếp tục phát huy.
- Dạy cho trẻ hiểu rõ về ngôn ngữ hình thể, mọi biểu hiện nét mặt của con người cũng là phương pháp hay để hình thành sự đồng cảm ở bé. Có thể ban đầu trẻ sẽ không hiểu, nhưng khi được tiếp xúc nhiều thì trong trẻ sẽ hình thành các ứng xử phù hợp.
Babymart.vn/Tổng hợp