Những nguy sơ sức khỏe mẹ và bé khi mang đa thai

Những nguy sơ sức khỏe mẹ và bé khi mang đa thai vô cùng nguy hiểm như mắc bệnh tiểu đường, tiền sản giật chiếm tỷ lệ rất cao. Không chỉ ảnh hưởng đến sức khỏe của mẹ mà cũng rất nguy hiểm đến sự phát triển và tồn tại của thai nhi, đặc biệt là trường hợp đa thai 4. Do vậy, trong thời gian mang thai, mẹ bầu cần thường xuyên đi khám để theo dõi sức khỏe và quá trình phát triển của thai nhi để có biện pháp ứng phó kịp thời.
Những nguy cơ sức khỏe mẹ và bé khi mang da thai
Nguy cơ với thai phụ
- Trong điều kiện bình thường, khi thai phát triển thì hiện tượng tăng huyết áp ở mẹ là phổ biến. Tỷ lệ tiền sản giật tăng đáng kể ở những trường hợp mang đa thai, bên cạnh đó là nguy cơ đái tháo đường thai kỳ.
- Thiếu máu trong thai kỳ. Nhu cầu hồng cầu của mẹ tăng và nhu cầu tạo máu tăng theo số lượng thai, dẫn đến nguy cơ thiếu máu trong những ca đa thai. Ước tính hơn 40% bà bầu mang 3 thai trở lên bị thiếu máu. Tùy thuộc vào tình trạng thiếu sắt và các tế bào hồng cầu trong máu sẽ có các triệu chứng như mệt mỏi, khó thở, giảm lượng ôxy truyền đến các thai.
- Dễ diễn tiến bất thường như ngôi thai bất thường, sa dây rốn, thai suy cấp… Do vậy làm tăng tỷ lệ mổ lấy thai ở những trường hợp này.
- Tử cung quá to để chứa nhiều thai nên sản phụ dễ bị đờ tử cung sau sinh, tăng nguy cơ băng huyết hậu sản. Vì số lượng thai nhiều nên tử cung lớn nhanh làm mẹ mệt mỏi, khó thở. Nguy cơ nhau tiền đạo và nhau bong non cũng cao.
Nguy cơ với con
- Sảy thai: Các ca đa thai dễ bị sảy sớm nên số lượng thai thường giảm dần khi tuổi thai tăng lên.
- Sinh non, tức là đẻ trước tuần thứ 37 của thai kỳ. Càng nhiều thai, nguy cơ chào đời thiếu tháng càng cao. Theo thống kê, tỷ lệ sinh non trước tuần 32 ở các ca đơn thai là 2%, song thai là 8%, tam thai 26%, 95% đối với tứ thai.
- Trẻ sinh non thường kèm theo các vấn đề của thiếu tháng như suy hô hấp, bệnh phổi, bệnh lý đường tiêu hóa, võng mạc, giảm hoặc mất thính lực, xuất huyết não thất, viêm ruột hoại tử. Tần suất trẻ bại não cũng tăng dần theo số thai: Với đơn thai chỉ từ 1,6 đến 2,3 phần nghìn, song thai từ 7 đến 12 phần nghìn, tam thai từ 28 đến 45 phần nghìn. Bên cạnh đó là nguy cơ thai chậm tăng trưởng, dị tật bẩm sinh, chết lưu.
Cách chăm sóc mẹ và thai nhi
Do có nhiều nguy cơ cho cả mẹ và bé nên hầu hết chuyên gia sản khoa khuyên các cặp vợ chồng nên xem xét việc giảm bớt số lượng thai, thường giảm từ 3 hay 4 xuống còn 2 thai. Khi số lượng giảm sẽ có tạo điều kiện chăm sóc các thai còn lại tốt hơn, tăng trọng lượng và kéo dài tuổi thai. Nhờ đó, khả năng nuôi sống bé sẽ cao hơn, giảm tỷ lệ bệnh suất và tử suất ở trẻ.
Tuy nhiên, thủ thuật trên có thể gây một số rủi ro như sảy thai, nhiễm trùng... nên cần sự đồng thuận của 2 vợ chồng. Giảm thai thường được thực hiện khi tuổi thai ở tuần thứ 10 đến 12 vì những lý do sau:
- Vấn đề kỹ thuật: Lúc này thai đủ lớn để có thể quan sát dễ dàng qua siêu âm ngả bụng.
- Hầu hết trong những trường hợp này, một số thai tự thoái triển trước 10 tuần (ban đầu 4 thai, sau đó tự mất đi một hoặc 2 thai). Do vậy, việc giảm thai nên được tiến hành khoảng thời gian đó.
- Có thể sinh thiết gai nhau để chẩn đoán di truyền trong những trường hợp cần thiết.
Theo bác sĩ Thu Hà, để đảm bảo sức khỏe, phụ nữ mang đa thai nên đi khám thường xuyên, tốt nhất mỗi hai tuần một lần hoặc bất kỳ khi nào có dấu hiệu bất thường như đau bụng, ra huyết. Mỗi lần khám cần được siêu âm để đánh giá tình trạng thai. Bên cạnh đó, cần theo dõi cân nặng, huyết áp, làm xét nghiệm sàng lọc trước sinh, sàng lọc đái tháo đường thai kỳ.
 
Đối với trường hợp chị Hoàng Thị Xuân ở Quảng Bình mang tứ thai ở tuần thứ 11, bác sĩ Thu Hà khuyên thai phụ nên đến các bệnh viện có chuyên khoa sản phụ uy tín để đánh giá tình trạng thai cũng như sức khỏe. Dựa vào tình trạng sức khỏe của mẹ và các bé, bác sĩ sẽ xem xét và tư vấn cho vợ chồng chị nên giảm thai không. Nhờ khám thai định kỳ, bác sĩ có thể phát hiện sớm tiền sản giật trong ba tháng cuối (nếu có) để xử trí kịp thời, tích cực. 
Chị Xuân nên có chế độ nghỉ ngơi, vệ sinh, dinh dưỡng và lao động thích hợp ngay từ bây giờ. Nhu cầu năng lượng cho người mẹ sẽ tăng nên cần bổ sung đầy đủ chất dinh dưỡng và vitamin. Gia đình cũng cần chuẩn bị cho việc sinh và chăm sóc các bé thật tốt. Việc chăm sóc trẻ thiếu tháng với những nguy cơ bệnh lý đi kèm sẽ là gánh nặng cho gia đình, đặc biệt là người mẹ nên sản phụ rất cần sự hỗ trợ từ người thân. Ngoài ra nên hỏi ý kiến bác sĩ về việc sử dụng corticoid giúp phôi thai trưởng thành sớm, trong vòng tuần thứ 27 đến 28 của thai kỳ. 
Để lựa chọn sinh thường hay sinh mổ, theo bác sĩ Hà, nên căn cứ vào tuổi thai lúc lâm bồn và khả năng nuôi sống. Phương pháp sinh mổ thường được ưu tiên lựa chọn. Tuy nhiên vẫn có thể sinh ngả âm đạo trong những trường hợp diễn tiến thuận lợi, bác sĩ có kinh nghiệm, có điều kiện theo dõi tim thai tốt.
Lưu ý, sản phụ cần được theo dõi chặt chẽ trong những giờ đầu sau khi sinh để phòng xảy ra tai biến chảy máu do đờ tử cung. Đặc biệt chú ý đến chế độ dinh dưỡng đầy đủ dưỡng chất để mẹ nhanh chóng hồi phục sức và tiết sữa dồi dào để nuôi con. Ngoài ra, cũng rất cần theo dõi nhiệt độ, sát mạch, sản dịch,... nhằm sớm phát hiện và điều trị nếu xuất hiện nhiễm khuẩn hậu sản.
Bên cạnh đó, trẻ sơ sinh cũng cận được chăm sóc với chế độ đặc biệt, phòng chống suy hô hấp do bệnh màng trong, trung tâm điều nhiệt chưa hoàn chỉnh, ngừa hạ thân nhiệt đối với trường hợp sinh non, phổi chưa trưởng thành. Trẻ cần được đảm bảo đủ độ ấm, được nuôi dưỡng hoàn toàn bằng sữa mẹ, ngăn ngừa nhiễm khuẩn, tạo điều kiện cho chúng nhanh chóng thích nghi môi trường sống mới, ngoài tử cung mẹ.
Theo Vnexpress

Bình luận