Các yếu tố gây dị tật bẩm sinh ở trẻ thường do bị ảnh hưởng bởi các chất phóng xạ, yếu tố viêm nhiễm, vi rút Herpes Simplex, trái rạ, ký sinh trùng Toxoplasma gondii, xoắn khuẩn giang mai,...Một khi trong quá trình mang thai, mẹ bị lây nhiễm bởi những loại hóa chất, vi khuẩn nguy hiểm này thì con sinh ra sẽ bị dị tật thiểu năng, điếc, não nhỏ, teo cơ, tật chi, nứt vòm họng, xương dị dạng,...
Yếu tố viêm nhiễm:
Phôi và thai bị tấn công bởi các vi khuẩn, vi rút và ký sinh trùng trong suốt thai kỳ. Đa số các trường hợp thai chống lại được, 1 số trường hợp bị sảy thai sớm hay bị chết chu sinh và 1 số trường hợp có dị tật bẩm sinh. Các vi khuẩn có thể qua nhau và vào trong máu thai nhi. Hàng rào bảo vệ máu-não của thai nhi đối với các vi khuẩn tương đối yếu và mô thần kinh rất dễ bị tổn thương. Tuy vậy bản thân người mẹ cũng có miễn dịch thụ động đối với 1 vài loại vi khuẩn. Ba loại vi rút chính thường gây tổn thương cho phôi và thai là vi rút Rubeol, vi rút gây bệnh tế bào lớn và vi rút Herpes.
- Vi rút Rubeol (Sởi). Vi rút sởi là 1 thí dụ điển hình của siêu vi khuẩn gây quái thai (Korones, 1986). Mẹ bị sởi trong tam cá nguyệt thứ 1 có tỉ lệ sinh ra con có dị tật là 15-20 %. Tam dị tật do vi rút này gây ra là: đục nhân mắt, tim bẩm sinh, và điếc bẩm sinh (do hư cơ quan Corti), ngoài ra có các dị tật khác như: viêm màng mạch-võng mạc, tăng áp nhãn cầu, não nhỏ, mắt nhỏ, không răng. Mẹ càng mắc bệnh sởi sớm thì con có dị tật càng nặng. Hầu hết trẻ bị dị tật là có mẹ bị sởi từ tuần thứ 1 đến tuần thứ 5. Điều này cũng dễ hiểu vì thời gian này tạo các cơ quan như mắt, tai trong, tim, và não. Mẹ bị sởi trong tam cá nguyệt 2 và 3 ít sanh con bị dị tật hơn, nhưng có thể ảnh hưởng chức năng não như thiểu năng tinh thần, điếc.
- Vi rút gây bệnh tế bào lớn (Cytomegalo virus). Là loại vi rút thai thường bị nhiễm nhất. Vì vi rút này gây chết thai nếu bị nhiễm sớm nên người ta cho rằng nhiễm vi rút này trong tam cá nguyệt thứ 1 sẽ bị sảy thai. Nhiễm vi rút này trong các tam cá nguyệt 2 và 3 có thể gây ra chậm tăng trưởng trước sanh, mắt nhỏ, viêm màng mạch võng mạc, thiểu năng tinh thần, điếc, bại não, gan lách to.
- Vi rút Herpes Simplex: Thai thường nhiễm vi rút này trong tam cá nguyệt thứ 3, nhất là trong lúc chuyển dạ. Nhiễm vi rút này trước sanh có thể gây ra các dị tật như não nhỏ, mắt nhỏ, loạn sản võng mạc, thiểu năng tinh thần.
- Vi rút trái rạ: Bị trái rạ trong tam cá nguyệt thứ 1 có thể sinh con bị dị tật da có sẹo, teo cơ và thiểu năng tinh thần. Tỉ lệ dị tật là 20%.
- Ký sinh trùng Toxoplasma gondii: Là loại ký sinh trùng nội bào; tên gondii là do phát hiện bệnh từ con gondi (1 loài gậm nhấm ở Bắc Phi). Ký sinh trùng này có thể có trong máu, trong mô, và trong 1 số loại tế bào, đặc biệt là trong các tế bào võng mạc, bạch cầu, và tế bào biểu mô. Mẹ bị nhiễm do ăn thịt sống có nang toxoplasma (ở thịt heo, thịt cừu), do tiếp xúc với thú vật như mèo, hay do nhiễm từ đất có phân mèo có nang toxoplasma. Toxoplasma gondii đi qua nhau và tác động vào thai gây tổn thương ở não, mắt như: não nhỏ, mắt nhỏ, não úng thủy. Sản phụ thường không biết mình bị nhiễm. Các thú vật nuôi trong nhà (mèo, chó, thỏ, các thú rừng nhỏ) có thể bị nhiễm ký sinh trùng này do đó phụ nữ có thai không nên tiếp xúc với chúng và không nên ăn thịt sống.
- Giang mai: Xoắn khuẩn giang mai Treponema pallidum có thể đi qua nhau sau 20 tuần tuổi. Trường hợp mắc bệnh giang mai trong khi mang thai nếu không được điều trị sẽ gây dị tật nặng, tuy vậy nếu mẹ được điều trị khỏi trước tuần thứ 16 thì vi trùng không còn và không đi qua nhau, không làm ảnh hưởng đến thai. Trường hợp mắc bệnh trước khi mang thai ít có tổn thương nặng làm tử vong. Nếu mẹ không được điều trị tỉ lệ chết thai là 1/4.
Điều đã được khẳng định là xoắn trùng giang mai gây ra điếc, dị tật răng xương, não úng thủy và thiểu năng tinh thần. Các triệu chứng lâm sàng nếu giang mai không được điều trị là nứt vòm họng và vách mũi, dị tật răng (răng có khía, hở răng, răng cửa trên hình cái chêm, răng Hutchinson), dị dạng mặt (trán vồ, mũi yên ngựa, xương hàm trên kém tăng trưởng).
- Phóng xạ: Phóng xạ làm tổn thương tế bào, chết tế bào, tổn thương NST, làm chậm phát triển tâm thần và vận động. Mức độ tổn thương tùy liều lượng phóng xạ và giai đoạn nhiễm.Trước đây có nhiều trường hợp thai bị nhiễm lượng phóng xạ lớn (hàng trăm đến hàng ngàn rads) như ở các nữ bệnh nhân được xạ trị vì bệnh ung thư cổ tử cung nhưng không biết có thai. Hầu hết thai đều chết hay bị dị tật. Các trường hợp có dị tật sau: não nhỏ, nứt đốt sống, nứt vòm họng, dị dạng xương và tạng, thiểu năng tinh thần. Luôn luôn có tổn thương hệ thần kinh trung ương.
Khảo sát những trường hợp sống sót sau vụ ném bom nguyên tử ở Nhật cho kết luận rằng, thời gian mang thai từ tuần lễ thứ 8 đến 18 là thời điểm hệ thần kinh trung ương rất nhạy cảm với phóng xạ, có thể gây thiểu năng tinh thần nặng.
Các nhà phôi thai học đều nhất trí rằng nhiễm phóng xạ liều cao gây ra dị tật bẩm sinh và công nhận rằng liều phóng xạ quá 25.000 millirads thì đe dọa sự phát triển của hệ thần kinh trung ương.
Không có chứng cứ cho thấy liều phóng xạ dùng trong xét nghiệm chẩn đoán gây dị tật. Các trường hợp chụp hình không liên hệ tử cung như chụp ngực, xoang, răng, có liều phóng xạ đến thai chỉ vài millirads không nguy hiểm cho thai. Thí dụ chụp x quang tim phổi phụ nữ có thai ở tam cá nguyệt thứ 1 thì liều phóng xạ thai có thể nhận được là 1 millirad. Nếu thai nhiễm phóng xạ ít hơn 5 millirads thì ảnh hưởng phóng xạ không đáng kể.
Cần thận trọng khi quyết định chụp x quang vùng chậu của phụ nữ có thai do liều phóng xạ có thể lên tới 0,3-2 rads. Tổng liều phóng xạ tối đa cho phép trong suốt thai kỳ là 500 millirads.
Các yếu tố cơ học:
Yếu tố cơ học tác động lên tử cung gây ra các dị tật méo mó hình dạng chi. Nước ối có tác dụng điều hòa áp lực giúp thai tránh được phần lớn các chấn động từ bên ngoài. Nói chung chấn động từ bên ngoài ảnh hưởng đến thai không đáng kể.
Những nguyên nhân cơ học, đặc bị là tử cung bị dị dạng sẽ khiến trẻ bị vẹo bàn chân, tật khớp háng,... Những dị tật này xảy ra thường do thai nhi bị hạn chế cử động.Trong đó, thiếu nước ối sẽ khiến cho chi của thai bị dị tật, có thế bị biến dạng hoặc đứt vì bị các băng ối quấn trong quá trình tăng tưởng.
Babymart.vn/Tổng hợp