Cách chăm sóc trẻ sơ sinh khoa học từ khi lọt lòng mẹ

Chăm sóc trẻ sơ sinh được xem là một nghĩa vụ thiêng liêng mà bất kỳ người mẹ nào cũng khát khao một lần được trải qua. Tuy công việc chăm sóc trẻ sơ sinh vô cùng vất vả, khó khăn nhưng đổi lại từ trong sâu thắm tấm lòng mẹ luôn ngời sáng niềm hạnh phúc, ý nghĩa vô hạn. Từ việc giúp bé thích ứng với môi trường mới, chăm sóc da, vệ sinh,... cho đến miếng ăn giấc ngủ là những nghĩa vụ mẹ phải đảm nhiệm kể từ khi bé chào đời. Đặc biệt đối với những phụ nữ lần đầu làm mẹ, sự lúng túng vụng về trong quá trình chăm sóc bé là điều không bao giờ tránh khỏi. Để tiếp thêm sự tự tin khi chăm sóc trẻ sơ sinh, các mẹ hãy tham khảo phương pháp khoa học sau:

- Chăm sóc trẻ sơ sinh thích ứng với môi trường mới

Khi mới sinh ra, bé cần phải có thời gian để thích nghi với môi trường sống mới, bên ngoài tử cung của người mẹ. Trong tử cung của mẹ, thân nhiệt của bé luôn được ổn định. Nhưng khi chào đời, cơ thể bé đã bị mất nhiệt bởi nhiệt độ của môi trường thấp hơn so với tử cung của mẹ. Do vậy, bé của bạn cần được giữ ấm.
 
Bạn nên dùng vải mềm sạch nhanh chóng lau khô cho bé từ đầu đến chân và giữ ấm cho trẻ. Bạn cần quấn bé trong tã lót, đi tất tay, chân và đội mũ cho trẻ. Lúc này, trẻ rất cần được ủ ấm trong vòng tay của mẹ.
 
Mỗi ngày, mẹ và bé nên tắm nắng sáng sớm khoảng 15-20 phút. Tắm nắng không những giúp bé có vitamin D để hấp thu tốt canxi trong sữa mà còn giúp nhanh chóng giảm vàng da. Những dụng cụ dùng cho bé sơ sinh bao gồm: thìa, cốc, bình sữa… phải rửa thật sạch, luộc nước sôi trước khi dùng để đảm bảo vệ sinh. Quần áo, tã lót, mũ, vớ tay - chân… của bé cũng cần đảm bảo sạch sẽ và được giữ ấm.

- Chăm sóc da cho trẻ sơ sinh

Trẻ sơ sinh thường có hiện tượng vàng da sinh lý. Vàng da (kèm với tiểu vàng) bắt đầu xuất hiện vào ngày thứ 2, thứ 3 sau sinh, đạt đỉnh điểm vào ngày thứ 3, thứ 4, sau đó giảm dần.
 
Lớp chất “gây” bao phủ bên ngoài da trẻ trong ngày đầu mới sinh có vai trò giữ nhiệt và bảo vệ cho da trẻ. Do vậy, không nên tắm làm sạch chất “gây” trên da bé ngay sau sinh. Từ ngày thứ 2 trở đi, lớp chất “gây” này lại là môi trường rất thuận lợi cho khả năng nhiễm khuẩn da. Chính vì vậy mà sau khi ra đời từ 24-48 giờ, hàng ngày trẻ phải được tắm sạch.

- Chăm sóc rốn cho trẻ sơ sinh

Rốn là một trong số những phần nhạy cảm của cơ thể trẻ sơ sinh nên cần đặc biệt chăm sóc tốt để đảm bảo các hốc rốn khô và dây rốn rụng tự nhiên mà không có bất kỳ tổn thương nào. Chăm sóc rốn của trẻ sơ sinh luôn cũng là một trách nhiệm vô cùng quan trọng đối với mẹ. Nếu không chú ý, rốn ở trẻ sơ sinh rất dễ bị nhiễm trùng và xảy ra nhiều biến chứng khác như chảy máu, xả chất lỏng có mùi trắng,...
+ Luôn giữ cho rốn của trẻ khô và sạch sẽ nhất có thể.
+ Rửa tay thật kỹ trước khi chăm sóc rốn cho trẻ. Nếu rửa tay không kỹ khi tiếp xúc với rốn của bé có thể dẫn đến nhiễm trùng.
+ Trước khi cuống rốn khô và rụng, chú ý giữ tã của bé che hờ phần rốn và bụng để tránh mọi va chạm tới rốn.
+ Khi tắm cho bé, tuyệt đối không để cuống rốn đụng nước, phải hoàn toàn khô ráo
+ Làm sạch vùng bụng và rốn của bé ít nhất một lần/ ngày. Để làm sạch nhẹ nhàng vùng rốn của trẻ, mẹ nên sử dụng tăm bông được nhúng vào nước lạnh đun sôi và nhẹ nhàng vỗ nhẹ khu vực này. Điều này sẽ giúp rốn khô nhanh chóng và giảm bớt nguy cơ nhiễm trùng.
+ Sau khi vệ sinh rốn đừng quên lau khô khu vực rốn và xung quanh. Mẹ tuyệt đối đừng nên dụng bông gòn để lau vì những sợi từ bông gòn thường dính vào rốn và có thể gặp khó khăn để lấy ra, gây các biến chứng khác cho rốn.
+ Không sử dụng nước thơm, dầu gội để tắm hoặc rắc bột lên trên hoặc xung quanh rốn của bé.
 
Khoảng 1-3 tuần sau khi sinh, dây rốn của trẻ sẽ khô và rụng tự nhiên. Tuy nhiên, nếu có tái chảy máu hoặc nhiễm trùng, hay có bất cứ bất thường nào bạn hãy tham khảo ý kiến bác sĩ nhi khoa nhé. Đối với trường hợp, rốn bị rơi rụng, một số sẽ có hiện tượng chảy máu. Điều này khiến cha mẹ trẻ không khỏi lo lắng nhưng đôi khi đây là hiện tượng bình thường. Nó có thể mất 5-10 ngày để chữa trị và chăm sóc cho khu vực này sau khi rốn đã rụng.

- Chăm sóc trẻ sơ sinh bú đúng cách

Nhiều bà mẹ khi mới sinh bé, thấy vú chưa tiết sữa đã vội cho bé bú bình. Điều này sẽ dẫn đến bé không được bú phần sữa non rất quý giá cho sức khỏe của bé. Hơn nữa việc cho bé bú bình sớm sẽ khiến bé không chịu bú mẹ, dẫn đến mẹ dễ bị mất sữa sớm. Bé không được bú mẹ dễ bị suy dinh dưỡng, sức đề kháng kém.
Chăm sóc trẻ sơ sinh khoa học từ khi lọt lòng mẹ
Vì vậy, mẹ cần cho bé bú sớm ngay trong những giờ đầu sau sinh, dù chưa có hiện tượng tiết sữa. Cần cho bé bú đều hai bên vú, mỗi bên ít nhất 10 phút. Bú như thế bé sẽ nhận được vừa sữa đầu (có vẻ trong), vừa sữa cuối (màu trắng đục). Sữa đầu là sữa có hàm lượng đường nhiều hơn, giúp bé thỏa mãn cơn khát, nhưng sữa cuối mới chứa hàm lượng chất béo nhiều, giúp bé tăng trưởng tốt. Nếu bé không được cung cấp sữa cuối thì dù cho bú nhiều bé vẫn không lên cân.

- Chăm sóc trẻ sơ sinh ngủ ngon giấc

Giấc ngủ đóng vai trò rất quan trọng trong việc phát triển thể chất và tinh thần của trẻ, vì vậy mẹ cần đảm bảo thật tốt chế độ ngủ cho bé. Thời gian ngủ trung bình của trẻ sơ sinh là 18-20 giờ/ngày.
Chăm sóc trẻ sơ sinh khoa học từ khi lọt lòng mẹ
Tư thế nằm ngủ, giường đệm và thói quen đúng của người chăm sóc bé là 3 yếu tố giúp bé ngủ ngon và không gặp nguy hiểm. Cần tránh cho bé nằm sấp. Theo các chuyên gia nghiên cứu giấc ngủ của trẻ đều đưa ra kết luận, tư thế nằm sấp làm tăng nguy cơ tử vong đột ngột ở trẻ sơ sinh. Trên thực tế, bé chưa đủ khả năng xoay người hoặc nhổm dậy khi gặp vấn đề như bị ngạt, gối đè...
 
Đặt bé nằm ngửa là tư thế ngủ tốt nhất cho bé theo khuyến cáo của các bác sĩ nhi khoa. Nằm ngửa giúp khuôn mặt bé thoải mái, bé dễ hô hấp và tránh cho bé nguy cơ bị ngạt trong đống chăn gối. Khoảng tháng thứ 6, bé đã biết nhổm đầu, lật nghiêng sang một bên. Đừng lo lắng nếu bé xoay người khi ngủ, điều đó có nghĩa là bé đã có đủ sức để lựa chọn một tư thế tốt nhất cho mình.
 
Nhiều cha mẹ thường hay rung lắc giúp bé dễ ngủ hơn, tuy nhiên cần lưu ý vì hành động này khiến não của bé dễ bị tổn thương.
 
Cần tuyệt đối giữ trẻ trong môi trường không có khói thuốc lá. Hút thuốc thụ động có hại cho mọi người, đặc biệt là các em bé, khói thuốc lá gây ra các vấn đề về hô hấp và bệnh viêm phế quản.
 
Nên giữ nhiệt độ trong phòng bé trên 26 độ C. Nếu quá nóng, nhiệt độ cơ thể sẽ tăng lên, gây nguy hiểm cho bé. Quá lạnh sẽ làm bé dễ bị cảm lạnh, viêm đường hô hấp. Nên cho bé nằm cạnh mẹ, giúp cho việc theo dõi và cho con bú dễ dàng hơn.

- Chăm sóc vệ sinh cho trẻ sơ sinh

Tắm là một phần không thể thiếu trong quá trình nuôi dưỡng và chăm sóc và trẻ sơ sinh. Tắm cho bé đúng cách có thể giúp bé cảm thấy thoải mái, dễ chịu và ngủ ngon.
Chăm sóc trẻ sơ sinh khoa học từ khi lọt lòng mẹ
Với những bé chưa rụng rốn có thể tắm bằng khăn, dùng khăn nhúng nước sạch và lau toàn thân bé. Đối với bé đã rụng rốn rồi có thể tắm bằng chậu. Không nhất thiết mỗi ngày phải gội đầu cho bé, ngoại trừ khi thời tiết nóng. Khi trời lạnh chỉ nên gội đầu bé 2-3 lần/tuần.
 
Vệ sinh mũi và tai: Không nên ngoáy bên trong mũi và tai em bé, chỉ cần làm sạch tai bằng cách sử dụng bông gòn thấm nước ngoài tai vì ráy tai là dịch tiết tự nhiên ở ống tai ngoài, có tính khử trùng và bảo vệ màng nhĩ khỏi cát bụi.
 
Vệ sinh móng tay, chân: Không nên để móng tay, chân bé quá dài, bé sẽ tự cào xước da mình. Thời gian cắt móng tay cho bé là sau khi tắm, lúc này móng tay bé mềm.
 
Hi vọng những chia sẻ này sẽ giúp các mẹ tự tin hơn khi đảm nhận nghĩa vụ chăm sóc trẻ sơ sinh.
Babymart.vn/Tổng hợp

Bình luận